Mũi tăng cường, miễn dịch tự nhiên giúp giảm nguy cơ mắc biến thể mới

06:01, 31/01/2022
Theo các chuyên gia Canada, những người đã tiêm hai mũi vaccine, đã tiêm mũi tăng cường hoặc từng mắc COVID-19 có mức độ miễn dịch trước virus nhiều hơn trước đây.
 
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm dịch COVID-19 tại Vancouver, British Columbia, Canada.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm dịch COVID-19 tại Vancouver, British Columbia, Canada.
 
Trong tháng qua, hàng nghìn người Canada đã nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và phục hồi.
 
Cơ quan y tế công cộng Canada cho biết số ca nhiễm có vẻ như đã đạt đỉnh điểm trên cả nước.
 
Những người đã tiêm hai mũi vaccine, đã tiêm mũi tăng cường hoặc từng mắc COVID-19 có mức độ miễn dịch trước virus nhiều hơn trước đây.
 
Liệu việc tiêm 3 mũi cùng với việc có miễn dịch sau khi khỏi bệnh, khi kết hợp với nhau, có giúp ngăn không để xảy ra lây nhiễm thêm lần nữa?
 
Mặc dù không có nhiều dữ liệu về các ca tái nhiễm biến thể Omicron, các chuyên gia cho biết mọi người sẽ có miễn dịch trong một thời gian để không mắc lại cùng một loại biến thể của virus.
 
Tuy nhiên, khi miễn dịch yếu dần đi theo thời gian trong khi có khả năng xuất hiện thêm nhiều biển thể, mức độ miễn dịch cộng đồng từ làn sóng Omicron sẽ không còn ổn định nữa.
 
Giáo sư Bruce Mazer thuộc Đại học McGill, phó giám đốc khoa học trong nhóm chuyên trách về miễn dịch với COVID-19 của Canada, giải thích như sau: “Nếu bạn nhiễm biến thể Omicron, có thể bạn sẽ có tối thiểu 3 tháng để yên tâm rằng mình sẽ không mắc lại biến thể này, trừ khi xuất hiện biến thể tiếp theo rất khác thiệt so với những gì chúng ta đã biết. Điều này phụ thuộc vào cách tiến hóa của virus. Nếu virus vẫn y nguyên như phiên bản mà vaccine hiện tại có hiệu quả, hoặc Omicron, bạn được bảo vệ trong một thời gian. Nếu chẳng may virus lại đột biến tiếp, khi đó không biết chuyện gì sẽ xảy ra."
 
Theo chuyên gia Samir Sinha, Giám đốc lão khoa thuộc hệ thống y tế Sinai và mạng lưới đại học y khoa, độ mạnh yếu của phản ứng miễn dịch phụ thuộc vào tuổi tác và điều kiện sức khỏe tổng thể của mỗi người. Người rất lớn tuổi, trẻ rất nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch sẽ có phản ứng yếu, với mức độ gây bệnh nặng nhẹ cũng khác nhau.
 
Chuyên gia Sinha giải thích: “Đôi khi, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm bệnh, người bệnh có thể tạo ra miễn dịch. Nếu một người có triệu chứng nặng và kéo dài, người đó có thể có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn và nồng độ kháng thể cũng có thể cao hơn."
 
Các chuyên gia nhấn mạnh điều quan trọng là nên tiêm mũi tăng cường, ngay cả khi bạn đã có miễn dịch tự nhiên sau khi hồi phục. bởi có nhiều yếu tố quyết định mức độ và thời hạn miễn dịch.
 
Chuyên gia Sinha nói: “Tiêm chủng nhiều khả năng giúp đảm bảo cho bạn có hệ miễn dịch hoặc nồng độ kháng thể mạnh mẽ và nhất quán hơn, giúp bạn phòng ngừa nguy cơ bị nhiễm bệnh trong tương lai."
 
Ông cho biết thêm rằng thời điểm xảy ra làn sóng tiếp theo cũng phụ thuộc vào việc khả năng miễn dịch của người dân nói chung yếu đi bao nhiêu sau lần tiêm vaccine gần nhất. Điều này giải thích cho việc số ca tăng mạnh tại Canada trong mùa Thu vừa rồi, bởi đó là lúc miễn dịch sau khi tiêm mũi thứ 2 bắt đầu yếu đi.
 
Cả giáo sư Mazer và chuyên gia Sinha đều cảnh báo, khi càng có nhiều người nhiễm bệnh và còn nhiều người chưa tiêm vaccine, vẫn hiện hữu nguy cơ xuất hiện biến thể mới có thể vượt qua hệ miễn dịch hiện có.
 
Các chuyên gia cho rằng còn có quá nhiều biến số để biết khi nào một người miễn nhiễm với COVID-19, vì thế còn rất nhiều điều có thể xảy ra cho đến khi toàn thế giới đã được tiêm vaccine.
 
Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng lên, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện những biến thể mới có thể né hệ miễn dịch có được như vaccine hoặc việc nhiễm bệnh. Do đó, cách giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch chính là đừng để mình cũng như mọi người nhiễm bệnh.
 
 (Theo Vietnam+)