Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thực sự đáng quan ngại?

06:04, 06/04/2022
WHO cho biết phiên bản tái tổ hợp giữa 2 biến thể BA.1 và BA.2 của Omicron, lần đầu tiên được ghi nhận tại Anh, có tên gọi XE, có thể là biến thể dễ lây lan nhất từ trước đến nay.
 
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 4/4/2022
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 4/4/2022
 
Việc phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc và sự gia tăng của biến thể mới có thể lây nhiễm cao hơn tại Anh đang làm dấy lên những quan ngại về nguy cơ dịch bệnh, ngay cả khi giới chuyên gia y tế cho rằng không có lý do gì phải hoảng sợ.
 
Trong thông báo mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết phiên bản tái tổ hợp giữa 2 biến thể BA.1 và BA.2 của Omicron, lần đầu tiên được ghi nhận tại Anh, có tên gọi XE, có thể là biến thể dễ lây lan nhất từ trước đến nay.
 
Ước tính XE có khả năng lây nhiễm cao hơn 10% so với BA.2 - vốn cũng được cho là có thể lây lan nhanh hơn biến thể ban đầu Omicron.
 
Trong khi đó, Trung Quốc, nước đầu tiên ghi nhận các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên trên thế giới, thông báo ghi nhận 2 biến thể mới của Omicron có giải trình tự gene không giống với bất kỳ biến thể hiện có nào.
 
Hiện chưa rõ tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc chỉ gây tác động nhỏ hay là dấu hiệu cho các đợt bùng phát lớn trong tương lai.
 
Ông Rajeev Venkayya, cựu cố vấn của Nhà Trắng về chính sách phòng vệ sinh học và là Giám đốc điều hành hãng dược phẩm Aerium Therapeutics, hồi tháng Ba vừa qua nhận định nếu các biện pháp của Trung Quốc nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là các biến thể dễ lây lan như Omicron, không mang lại hiệu quả, điều này sẽ gây ra mối đe dọa lớn. Trên thực tế, việc không kiểm soát được virus có thể khiến virus tạo ra nhiều đột biến hơn, khiến vaccine và các phương pháp điều trị ít hiệu quả hơn.
 
Việc virus SARS-CoV-2 lại "hoành hành" tại Trung Quốc đại lục sau gần 2 năm rưỡi, chủ yếu do sự xuất hiện của các biến thể mới, kéo theo vòng luẩn quẩn số ca mắc mới và tử vong lại gia tăng ở cùng một khu vực, đã thực sự trở thành vấn đề đối với thế giới khi quyết định sống chung với COVID-19.
 
Số ca nhiễm biến thể mới rất thấp so với phạm vi của các đợt bùng phát trên thế giới. Các cơ quan y tế Vương quốc Anh đã ghi nhận hơn 630 nhiễm biến thể XE song cho rằng cần phải có thêm thông tin.
 
Ông Leo Poon, nhà virus học và Giáo sư Đại học Hong Kong (Trung Quốc), đã theo dõi và thông báo về sự xuất hiện của các biến thể mới cho rằng cần theo dõi chặt chẽ các phiên bản tái tổ hợp mới, nhưng không nên hoảng sợ vào lúc này.
 
Trên thực tế, thế giới đã ghi nhận sự kết hợp giữa biến thể Delta và Omicron, một số người nhiễm cả 2 biến thể.
 
Ông Leo Poon cho rằng nếu một biến thể được phát hiện ở nhiều khu vực và lan rộng trong cộng đồng, thì điều này sẽ thực sự đáng lo ngại.
 
Những thông báo của Trung Quốc về sự xuất hiện của các biến thể mới chỉ ở giai đoạn đầu, do đó, hiện khó có thể nắm bắt được tình hình dịch bệnh.
 
Cuối tuần qua, các quan chức ở thành phố Tô Châu, miền Đông Trung Quốc, cách Thượng Hải khoảng 110km, đã thông báo sự xuất hiện của biến thể có nguồn gốc từ BA.1.
 
Điều đáng nói biến thể này không trùng với bất kỳ trình tự gene hiện có ở Trung Quốc hoặc trong cơ sở dữ liệu khoa học toàn cầu GISAID. Biến thể này được phát hiện ở một bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ.
 
Biến thể mới thứ 2 có nguồn gốc từ BA.2 được ghi nhận ở thành phố Đại Liên, được phát hiện ở một nhân viên cửa hàng thời trang bán quần áo nhập khẩu từ Hàn Quốc. Cả 400 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân có kết quả âm tính.
 
Hiện châu Á đã ghi nhận toàn bộ các biến thể virus SARS-CoV-2 xuất hiện trên thế giới.
 
Ngày 2/4, Thái Lan đã thông báo trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể XE.
 
Ông Stephen Goldstein, nhà virus học thuộc Đại học Utah, cho biết hầu hết các ca nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong đều bắt nguồn từ các biến thể hiện có. Vì vậy, dù chưa thực sự là mối đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu, song vẫn cần cảnh giác cao độ.
 
(Theo Vietnam+)