Một số bệnh nhân phải chịu đựng các triệu chứng kéo dài tới 2 tháng sau khi nhiễm biến thể Omicron như các vấn đề về giấc ngủ, mệt mỏi, sương mù não, khó thở và tim đập nhanh.
Một trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Wellington, New Zealand |
Khi New Zealand đi qua đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron, những người mắc COVID-19 phải chịu đựng các triệu chứng kéo dài và thậm chí là tái xuất hiện sau khi họ đã chính thức khỏi bệnh.
Một ví dụ là trường hợp của bác sỹ Richard Clinghan tại khu vực Canterbury, người vừa mới phục hồi từ COVID-19.
Bác sỹ Clinghan chia sẻ thời gian đầu nhiễm bệnh anh bị sổ mũi, đau họng, ho. Tuy nhiên, khoảng 7-10 ngày sau khi khỏi bệnh, các cơn ho quay lại khiến anh cảm thấy rất mệt mỏi.
Anh và nhóm bác sỹ vẫn đang theo dõi các bệnh nhân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Phần lớn bệnh nhân đều đã tiêm phòng COVID-19 và có những triệu chứng rất nhẹ như sổ mũi, đau họng, ho và sốt.
Bác sỹ khuyến nghị bệnh nhân nên tránh vận động trong khoảng 3 tuần do cơ thể vẫn còn mệt và đường thở vẫn còn sưng viêm.
Các bác sỹ còn ghi nhận một số triệu chứng ít gặp như đau bụng, nôn và tiêu chảy, song ảnh hưởng phổ biến nhất và hay bị xem nhẹ là chứng lo âu.
Để kiểm tra sức khỏe, người bệnh thường được yêu cầu đeo máy đo nồng độ oxy khi lên cầu thang hoặc đi nhanh. Nồng độ oxy giảm mạnh đồng nghĩa rằng họ cần đi viện.
Một số biện pháp để tăng nồng độ oxy trong máu gồm sử dụng bình xịt khí dung hoặc nằm sấp.
Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế New Zealand Ashley Bloomfield cho biết các triệu chứng do Omicron gây ra khác nhiều so với những gì mà người bệnh trải qua trong giai đoạn đầu đại dịch COVID-19.
Theo ông Bloomfield, nếu trước đây mất vị giác, khứu giác là một trong những dấu hiệu nổi bật nhất cho thấy một người mắc COVID-19, hiện các triệu chứng này ít phổ biến hơn trong làn sóng do biến thể Omicron.
Những người nhiễm Omicron thường gặp các triệu chứng liên quan đường hô hấp trên, với một số người còn ghi nhận tình trạng đau tai.
Russell Brown, nhà bình luận trên truyền thông tại Auckland, là một ví dụ điển hình.
Ông xuất hiện các triệu chứng sau khi tiếp xúc với người thân mắc COVID-19, và tới 12 ngày sau mới có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Triệu chứng nặng nhất là đau tai nghiêm trọng, xuất hiện 3 ngày sau khi người ông tiếp xúc có kết quả dương tính. Tai và mặt sưng đến nỗi ông khó ngậm miệng.
Triệu chứng đau tai này đã xuất hiện trở lại vào đêm trước khi ông có kết quả xét nghiệm dương tính. Brown chỉ bị đau họng và đau đầu trong 3 ngày. Tuy nhiên, cảm giác mệt mỏi vào buổi chiều khiến ông không thể tập trung làm việc.
Ông cũng cảm thấy khó thở khi xuống cầu thang và đôi lúc cảm giác tim đập nhanh. So với thời điểm khoảng 2-3 ngày sau khi có kết quả âm tính, các biểu hiện này trở nên nghiêm trọng nhất là sau khi ông phục hồi được 1 tuần.
Tình trạng này khiến ông lo lắng và cho rằng cần coi đây là những triệu chứng thứ phát của COVID-19. Ông Brown đã gần như bình phục hoàn toàn khoảng hơn hai tuần sau khi có kết quả âm tính.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Y khoa New Zealand, bác sỹ Vanessa Weenink, rất nhiều bệnh nhân của bà bị mệt mỏi và ho nhiều trong một thời gian.
Một số bệnh nhân phải chịu đựng các triệu chứng kéo dài tới 2 tháng sau khi có kết quả dương tính như các vấn đề về giấc ngủ, mệt mỏi, rối loạn nhận thức (còn gọi là sương mù não), khó thở và tim đập nhanh.
Một số triệu chứng ít phổ biến hơn bao gồm mẩn ngứa, nôn và tiêu chảy, những triệu chứng này thường phổ biến ở trẻ em và những người nhiễm biến thể phụ BA.2 của Omicron.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu COVID-19.
Theo WHO, hội chứng hậu COVID-19 xảy ra ở những người mắc COVID-19 có triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.
Trong trường hợp các triệu chứng kéo dài từ 3 tháng trở lên, đây là hội chứng COVID kéo dài (Long COVID).
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin