Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí

12:08, 19/08/2022
Chưa bao giờ từ khóa “Chuyển đổi số” lại trở nên nóng hổi và bức thiết như hiện nay. Chuyển đổi số trong báo chí cũng là vấn đề đang đặt ra nhiều thuận lợi và thách thức cho các tòa soạn, đội ngũ phóng viên… bởi một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số là báo chí, truyền thông. Xác định xu thế tất yếu là chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất. Không nằm ngoài dòng chảy đó, Báo Lâm Đồng cũng đã và đang từng bước thay đổi về tư duy cả quy trình xuất bản, tác phẩm báo chí… để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số.
 
Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng - Hồ Thị Lan và đại diện Báo Tuổi trẻ trao giải cho các phóng viên có tác phẩm tốt tại khóa tập huấn về Kỹ năng làm truyền hình, tiếp cận kỹ thuật số
Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng - Hồ Thị Lan và đại diện Báo Tuổi trẻ trao giải cho các phóng viên có tác phẩm tốt tại khóa tập huấn về Kỹ năng làm truyền hình, tiếp cận kỹ thuật số
 
Trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm lời giải để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình. Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, để từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí.
 
Theo Thông tấn xã Việt Nam, không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh mọi lĩnh vực đời sống xã hội mà báo chí trong thời kỳ mới phải là "bộ lọc" thông tin, giải đáp hướng dẫn, phân tích, chỉ ra được bản chất của các hiện tượng, câu chuyện, vấn đề trong xã hội để bảo đảm thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, phát triển theo hướng hiện đại. Trong những năm gần đây, sự chuyển dịch phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, nghe, xem từ bị động sang chủ động và công nghệ định hướng, dẫn dắt (gợi ý) người dùng diễn ra nhanh chóng và là xu thế chủ đạo, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược tổ chức, vận hành, quản lý hoạt động theo mô hình mới (đa nền tảng, tăng tính tương tác...) để có thể đáp ứng nhu cầu của khán giả. 
 
Tháng 11/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
 
Theo đó, đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có (trang web, mạng xã hội uy tín và các nền tảng công nghệ số trong nước); 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí…
 
Đến năm 2030, 90% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 90% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 90% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí, 50% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân,…
 
Các phóng viên Báo Lâm Đồng trong buổi trao đổi kinh nghiệm làm báo đa phương tiện với Báo Tuổi trẻ. Ảnh: Chính Thành
Các phóng viên Báo Lâm Đồng trong buổi trao đổi kinh nghiệm làm báo đa phương tiện với Báo Tuổi trẻ. Ảnh: Chính Thành
 
Để thực hiện các mục tiêu chiến lược, dự thảo xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó bao gồm những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong quá trình triển khai chiến lược. Những giải pháp này bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật, phát triển các sản phẩm báo chí số, phát triển nền tảng số, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống, ứng dụng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số báo chí, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
 
Tại Báo Lâm Đồng, công tác sản xuất thông tin cũng đang dần được số hóa với trang bị hệ thống phần mềm quản lý xuất bản để quản lý tin, bài và quy trình xuất bản trực tuyến, phát triển báo điện tử cùng với các hệ quản trị nội dung đi kèm, các chuyên mục theo hướng đa phương tiện như Emagazine, truyền hình online cũng được chú trọng hàm lượng thông tin, hình ảnh sáng tạo hơn, báo cũng xây dựng trang mạng xã hội Facebook để tiếp cận người đọc nhanh chóng hơn đã thu hút hơn 42 ngàn lượt theo dõi, là kênh thông tin hữu ích cho người dân và du khách trên nền tảng số… Bên cạnh đó, đội ngũ biên tập viên, kỹ thuật, phóng viên cũng liên tục được tập huấn, cập nhật các kiến thức về chuyển đổi số và tác nghiệp theo hướng số hóa. Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, tỉnh đã phê duyệt Dự án Đầu tư trang thiết bị chuyên ngành nhằm xây dựng Báo Lâm Đồng hướng đến cơ quan đa phương tiện, đây được đánh giá là tầm nhìn chiến lược trong phát triển Báo Lâm Đồng trong tương lai, sự nỗ lực bắt kịp xu thế của báo chí hiện đại, là bước đệm cho Báo Lâm Đồng trong quá trình số hóa, chuyển đổi số. 
 
Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng - Hồ Thị Lan cho rằng: Vấn đề trước hết của chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong báo chí vẫn là vấn đề con người. Cụ thể ở đây là người quản lý và người lao động, thái độ của người đứng đầu cơ quan quyết định nhiều yếu tố liên quan trong công cuộc chuyển đổi số. Bởi vậy, ngay cả các lãnh đạo, quản lý, cơ quan báo chí cũng cần được tập huấn, đào tạo để thấm nhuần tinh thần và sẵn sàng đối diện với quá trình chuyển đổi số báo chí. Đồng thời, chính các phóng viên, nhà báo cũng cần chuẩn bị hai yếu tố quan trọng cho chuyển đổi số là tâm lý và kiến thức, kỹ năng. Người làm báo cần được chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đối diện với những thách thức, những thay đổi mang tính căn bản, chiến lược của quy trình tư duy, quy trình công việc khi thực hiện chuyển đổi số. 
 
Nói về vấn đề này, ông Vương Tôn Kiên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết: Việc bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ cho chuyển đổi số cũng là vấn đề cấp bách cần tính tới. Vì vậy, việc tăng cường tập huấn, đào tạo các kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số cho phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo chí là rất khẩn trương và cấp thiết. Trong quá trình tiến hành chuyển đổi số, mỗi cơ quan báo chí cần nghiên cứu, thảo luận, tính toán kỹ quy trình, đặc điểm, cách thức thực hiện sao cho thật phù hợp với mình. Chuyển đổi số không thể có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí. Bởi vậy, có những quy trình có thể rất thành công với cơ quan này, nhưng khi áp dụng lại hoàn toàn không hiệu quả với cơ quan khác. Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông cần có phương án để xây dựng phù hợp trong việc chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, để từ đó làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội trở thành dòng chảy chính về thông tin, có vai trò định hướng dư luận trên không gian mạng.
 
Cùng với các cấp, các ngành và cả đất nước, những năm qua, báo chí đã tiên phong tiến hành quá trình chuyển đổi số và đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó cũng còn gặp không ít những khó khăn, thách thức, cần phải có những bước đi phù hợp để thành công trên con đường chuyển đổi số. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan chủ quản và sự chủ động, sáng tạo, vượt qua thách thức của bản thân các cơ quan báo chí, tin rằng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, đa nền tảng, đa phương tiện, ứng dụng công nghệ số để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, ý nghĩa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, góp phần định hướng dư luận, củng cố sự đồng thuận và niềm tin xã hội.
 
DIỄM THƯƠNG