Mở lối làm giàu từ sâm Ngọc Linh

HƯƠNG LY  06:26, 08/02/2023

Bằng tình yêu và niềm đam mê, chàng trai 26 tuổi Trần Cao Nguyên (quê gốc tỉnh Kon Tum) đã đi rất nhiều nơi và liên tục tìm tòi, nghiên cứu, thực nghiệm nhằm tìm ra vùng đất phù hợp để phát triển sâm Ngọc Linh. Sau nhiều lần nỗ lực “gieo mầm”, đến nay, mô hình trồng sâm Ngọc Linh của nhà nông trẻ được ươm tại thôn K'Long K'Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương đã bắt đầu gặt hái được nhiều “trái ngọt”.

Trần Cao Nguyên bên vườn sâm Ngọc Linh
Trần Cao Nguyên bên vườn sâm Ngọc Linh

Tới thăm vườn sâm Ngọc Linh của anh Trần Cao Nguyên trên đỉnh đồi cao nhất của thôn Long Lanh, tiếp chúng tôi với một nụ cười hiền lành, Nguyên kể, từ lúc vẫn còn là một cậu bé học sinh, anh đã có cơ hội được tiếp xúc với sâm Ngọc Linh mỗi ngày, khi gia đình vốn có truyền thống trồng loại dược liệu này đã gần chục năm nay. Nhờ đó, khi đến tuổi trưởng thành, chàng trai trẻ Trần Cao Nguyên đã quyết định đặt chân lên mảnh đất Nam Tây Nguyên với quyết tâm cao và mãnh liệt là khởi nghiệp và làm giàu từ việc trồng sâm Ngọc Linh.

Đầu năm 2019, Nguyên mạnh dạn mua 3,5 sào đất nông nghiệp tại thôn K'Long K'Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương và bắt tay ngay vào việc đầu tư hệ thống nhà lưới cho vườn sâm tương lai của mình. Dù đã tích lũy cho mình được nhiều kinh nghiệm trồng sâm, nhưng thời gian đầu, nhà nông trẻ vẫn gặp không ít khó khăn khi phải làm quen với việc trồng sâm ở một môi trường mới. Lứa cây đầu bị chết nhiều do bệnh nấm và chưa hoàn toàn thích nghi được dưới nhiệt độ trong nhà kính. Không nản chí, Nguyên vừa tìm cách chữa bệnh cho cây qua các phương tiện truyền thông như sách, báo và không ngừng học hỏi, tiếp thu thêm các kiến thức mới từ những người bạn có kinh nghiệm trồng sâm Ngọc Linh ở quê nhà. Sau khoảng thời gian kiên trì đó, vườn sâm của Nguyên đã bắt đầu ra nụ và đơm những đoá hoa đầu tiên.

Sâm Ngọc Linh còn được gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm, sâm trúc, củ ngải rọm con hay cây thuốc “giấu”. Đây là một trong những loại dược liệu thượng đẳng, mang lại rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như: tăng cường hiệu quả hệ miễn dịch và sức đề kháng, hỗ trợ phòng bệnh ung thư, ngăn ngừa và chống lão hóa, chống độc tố, kháng viêm, hồi dương,… Theo nhiều tài liệu nghiên cứu khoa học, sâm Ngọc Linh đã được khẳng định là một trong những loài sâm tốt nhất thế giới với 52 hoạt chất saponin chính (nhiều nhất so với các loại sâm khác). Bên cạnh đó, trong loại “thần dược” này còn chứa axit béo, axit amin và nhiều nguyên tố đa lượng, vi lượng khác (một trong những nhóm chất dinh dưỡng chính mà cơ thể cần để hoạt động)… “Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao. Mỗi năm vườn sâm của chúng tôi sẽ ươm khoảng 10.000 - 15.000 hạt. Cho đến hiện tại, vườn đã trồng được khoảng 8.000 cây sâm một năm tuổi, trung bình mỗi năm thu hoạch được khoảng 40 kg lá tươi, 20 kg củ. Vườn sâm hiện có trị giá tầm 10 tỷ đồng”, Trần Cao Nguyên chia sẻ.

Đánh giá về mô hình trồng sâm Ngọc Linh của nhà nông Trần Cao Nguyên, ông Vũ Hoàng Đăng Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Chais cho biết, sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế rất cao. Đây là loại sâm khó trồng, cần có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp như ở vùng đất Ngọc Linh. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, anh Trần Cao Nguyên đã trồng thành công sâm Ngọc Linh về trên địa bàn xã. Đây là một tín hiệu đáng mừng để phát triển cây sâm Ngọc Linh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương. Chính vì vậy, cấp ủy và chính quyền xã Đạ Chais sẽ đề ra các phương án để hỗ trợ mô hình trồng sâm Ngọc Linh được phát triển, sinh sôi mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu đến các cấp, ngành chức năng nhằm lan tỏa những mô hình hay, góp phần giúp bà con Nhân dân phát triển kinh tế.