Chủ động nguồn nước tưới tiêu cho mùa khô có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng, năng suất cây trồng. Vì vậy, huyện Lâm Hà đã và đang triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm điều tiết nguồn nước từ công trình thủy lợi, đảm bảo chất lượng công trình thủy lợi nhỏ cũng như vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm.
Người dân được khuyến cáo tưới tiêu tiết kiệm đảm bảo cây trồng phát triển tốt |
Theo kế hoạch sản xuất nông nghiệp huyện Lâm Hà, năm nay, tổng diện tích gieo trồng của địa phương là hơn 57 ngàn ha; trong đó cà phê chiếm hơn 2/3 diện tích với hơn 39 ngàn ha. Để đảm bảo nước tưới cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, huyện đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi chủ động kiểm tra trữ lượng nước tại các công trình thủy lợi; xây dựng và thực hiện phương án điều tiết nước phù hợp.
Hiện, toàn huyện có 46 công trình thủy lợi; trong đó, có 37 hồ chứa, 9 đập dâng; khoảng hơn 8.900 ao, hồ nhỏ; 3 hệ thống sông suối tự nhiên gồm sông Đạ Dâng, suối Đa Cho Mo, suối Cam Ly. Theo ông Vũ Bá Yêu, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tần suất cũng như lượng mưa cuối năm vừa rồi khá lớn, vì vậy, lượng nước tích trữ tại các ao, hồ trên địa bàn khá nhiều - thuận lợi cho việc tưới tiêu. Thực tế, qua khảo sát, lượng nước tại 5 công trình hồ chứa lớn là Liên Hà, Đạ Sar, Thôn 1, Phúc Thọ và Đạ Tô Tôn đảm bảo tưới tiêu cho đến hết vụ; lượng nước tại 31 công trình hồ chứa nhỏ khác đủ để tưới đến hết tháng 4 năm 2023. Các tuyến kênh, mương được kiên cố hóa đạt 87%, đảm bảo phát huy tối đa khả năng dẫn nước tưới cũng như hạn chế tối ta tình trạng rò rỉ, thất thoát nước. Ngoài ra, 3 hệ thống sông, suối lớn (Đạ Dâng, suối Đa Cho Mo, suối Cam Ly) hiện đều đủ khả năng đảm bảo lượng nước tưới, sinh hoạt trong cả năm.
Có thể thấy, tính đến hiện tại, các công trình thủy lợi đều đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng trong mùa khô. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình dự báo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn và tình hình nguồn nước tưới thời điểm đầu năm 2023 trên các địa bàn xã, thị trấn; nếu hiện tượng La Nina (hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường) xảy ra - dự báo một số khu vực ở xa nguồn nước có khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ vào cuối mùa khô. Diện tích dự kiến bị ảnh hưởng khoảng hơn 2.400 ha tại các xã Tân Hà, Đan Phượng, Phú Sơn, Đông Thanh, Đạ Đờn. Do đó, các đơn vị quản lý thủy nông thực hiện điều tiết, sử dụng nguồn nước từ các công trình thủy lợi một cách tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở tính toán cân bằng nước và tùy thuộc vào diễn biến thời tiết, lượng nước tưới phù hợp với từng loại cây trồng.
Để nâng cao hiệu quả khai thác công trình, nguồn nước được điều tiết hợp lý, theo ông Yêu, việc quản lý chặt chẽ, sửa chữa, khắc phục kịp thời các công trình thủy lợi nhỏ hư hỏng, tránh thất thoát nguồn nước cũng được xem là giải pháp quan trọng được địa phương quan tâm. Công trình thủy lợi, máy móc và thiết bị thường xuyên được các đơn vị quản lý, khai thác công trình hồ chứa nước duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa. Riêng trong năm 2022, đã có 7 công trình hồ chứa nước được huyện sửa chữa, nạo vét và đưa vào khai thác; xây dựng mới 2 đập dâng nước, kiên cố hóa mương tưới khoảng 3,69 km, tăng năng lực tưới chủ động từ công trình thủy lợi đạt 7.500 ha.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chức năng cũng chủ động phối hợp và tổ chức xử lý tình hình thiếu nước cục bộ tại một số điểm nằm ngoài khu vực tưới chủ động, từ hệ thống công trình thủy lợi vào cuối mùa khô, chủ động ứng phó với hạn hán. Tại những khu vực thiếu nước cục bộ, có nguy cơ xảy ra hạn hán; địa phương thực hiện kiên cố hóa các tuyến kênh nội đồng tại những khu vực thiếu nước cục bộ; đồng thời, huy động người dân khai thông luồng lạch, nạo vét kênh mương nội đồng. Máy bơm dã chiến, bơm thuyền cũng được chuẩn bị sẵn để bơm chuyển nước tới khu vực hạn hán.
Bên cạnh các phương án trên, việc vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả cũng được xem là giải pháp chủ động phòng, chống hạn quan trọng. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chủ động hướng dẫn người dân khai thác hiệu quả các nguồn nước từ sông, suối tự nhiên, ao, hồ và hệ thống nước ngầm trên địa bàn xã, thị trấn để phục vụ phát triển sản xuất. Chính quyền khuyến khích nông dân sử dụng các phương pháp canh tác ít bốc hơi nước, tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt... Bên cạnh việc sử dụng nước tiết kiệm, người dân cũng được hỗ trợ sử dụng máy bơm, đào giếng khoan, chuẩn bị các trạm bơm nhỏ... để chủ động bổ sung thêm nguồn nước tưới tiêu trong trường hợp hạn hán xảy ra.
Đặc biệt, theo ông Yêu, những năm gần đây, việc khai thác nguồn nước ngầm để phục vụ sản xuất, sinh hoạt được người dân địa phương tận dụng, phát triển mạnh. Mô hình khoan giếng kết hợp tích trữ trong hồ lót bạt trên cạn được nông dân áp dụng nhiều, đây được xem là giải pháp tối ưu để giải quyết thiếu nước vào mùa khô, nhất là khu vực xa nguồn nước và công trình thủy lợi.
Với trữ lượng nguồn nước trong các công trình thủy lợi hiện có cùng những phương án phòng, chống khô hạn mà huyện Lâm Hà đã và đang chuẩn bị, về cơ bản, bà con nông dân trong huyện có thể yên tâm đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ việc gieo, chăm sóc cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt trong mùa khô này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin