Lâm Hà là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, năng suất, hiệu quả của nền nông nghiệp địa phương chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có. Chính vì vậy, huyện Lâm Hà đã triển khai nhiều biện pháp để đẩy mạnh kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị hàng hóa nông sản; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định đời sống cho người dân.
Cơ sở chế biến nông sản tại Lâm Hà |
Huyện Lâm Hà có tổng diện tích tự nhiên khoảng 93 ngàn ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 59 ngàn ha. Toàn huyện có trên 70% tổng số hộ là nông dân, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế địa phương. Lâm Hà có khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, trong đó chủ yếu là đất đỏ Bazan rất thích hợp trồng nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày như cà phê, chè, dâu tằm, mắc ca, các cây ăn quả, rau, hoa... Hiện nay, Lâm Hà cũng đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với khoảng 40.000 ha cà phê, 3.620 ha dâu tằm, 160 ha chè, 2.610 ha cây ăn quả, hơn 3.000 ha cây mắc ca, trên 2.300 ha gieo trồng rau, hoa các loại. Các mặt hàng nông sản của Lâm Hà hiện tại phần lớn xuất bán sản phẩm thô ra thị trường với giá trị kinh tế không cao.
Để nâng cao giá trị sản xuất, bên cạnh việc khuyến khích người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì chính quyền huyện Lâm Hà cũng tạo điều kiện để người dân liên kết, kêu gọi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn. Đặc biệt, Lâm Hà đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Đề án Tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản và chuỗi giá trị toàn cầu tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, địa phương xác định mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn nhằm hướng đến xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, toàn diện theo hướng hiện đại; sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; nâng cao giá trị hàng hóa nông sản. Cùng với đó, Lâm Hà chỉ đạo tập trung phát huy lợi thế, thế mạnh về nông nghiệp của địa phương; triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; chuyển giao khoa học kỹ thuật; thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Huyện cũng vận động các nông hộ mạnh dạn tham gia xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác có tính thực tiễn.
Toàn huyện hiện có 44 hợp tác xã, 97 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các ngành nghề như: trồng cà phê, trồng rau, hoa, chăn nuôi tằm, bò sữa, bò thịt và sản xuất nông nghiệp tổng hợp. Các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện liên kết với các nông hộ để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Huyện Lâm Hà cũng quan tâm hỗ trợ giống, xây dựng kho bảo quản nông sản và tạo điều kiện để các hộ nông dân ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Trên địa bàn huyện hiện nay cũng có 16 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, tập trung vào các đối tượng sản xuất như rau, hoa, chè, cà phê, cây ăn quả, mắc ca, sữa bò, kén tằm. Huyện cũng đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Macca Lâm Hà” và nhãn hiệu chứng nhận “Tơ tằm Lâm Hà” nhằm phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương.
Thời gian qua, UBND huyện Lâm Hà đã triển khai nhiều mô hình kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến cho hiệu quả kinh tế, hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyển đổi diện tích cây trồng phát triển theo lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với chế biến sản phẩm, đào tạo nghề cho lao động để thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản, tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ. Toàn huyện hiện nay có hơn 100 cơ sở chế biến nông sản để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Để tạo cầu nối hiệu quả giúp các sản phẩm nông sản của huyện phát triển bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hợp tác xã chú trọng đẩy mạnh chế biến, nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản đặc trưng của huyện; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Đồng chí Trương Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, lãnh đạo huyện xác định, nông nghiệp là lĩnh vực nhiều lợi thế, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu là giải pháp có ý nghĩa chiến lược quan trọng để nông nghiệp Lâm Hà phát triển bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin