Đơn Dương: Nở rộ Phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

THÂN THU HIỀN 06:17, 03/04/2023

5 năm qua, Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được các cấp Hội Nông dân huyện Đơn Dương triển khai sâu rộng. Từ phong trào này, hội viên từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Với diện tích 7 sào trồng chuối Laba, gia đình chị Phạm Thị Thùy Vân có mức thu nhập ổn định
Với diện tích 7 sào trồng chuối Laba, gia đình chị Phạm Thị Thùy Vân có mức thu nhập ổn định

ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN

Sau nhiều lần trăn trở vì giá cả nông sản như cà chua, cải bắp... bấp bênh, vợ chồng chị Phạm Thị Thùy Vân (44 tuổi, xã Ka Đô) quyết định đi tìm hướng sản xuất mới hiệu quả hơn. “Trong lúc loay hoay tìm cây trồng để phát triển, tôi được anh trai truyền đạt kinh nghiệm và chỉ cách chuyển qua trồng chuối Laba. Suy đi tính lại, cuối cùng tôi quyết định chuyển 7 sào đất sang trồng loại chuối này. Lúc mới trồng, không chỉ người dân xung quanh mà ngay cả tôi cũng chưa dám nghĩ mình sẽ ổn định như bây giờ” - chị Vân chia sẻ.

Được anh trai hỗ trợ về cây giống và kinh nghiệm trồng, hơn nữa chị Vân còn biết mỗi gốc chuối Laba cho thu hoạch liên tục trong vòng 15 năm mới phải trồng lại nên đã mạnh dạn chuyển qua trồng chuối. Đặc điểm của giống chuối Laba là dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít dùng thuốc trừ sâu, chịu nước, trổ buồng quanh năm nên chị lại càng yên tâm hơn. 

Qua những lần tìm hiểu , được biết giống chuối Laba rất phù hợp với vùng đất này. Sau khi trồng chuối Laba phát triển rất nhanh, chỉ 8 tháng sau là cho thu hoạch lứa đầu tiên, có những buồng nặng tới 50 kg, quả to, căng nhẵn. Cứ vậy, lớp này nối tiếp lớp khác, 5 tháng tuổi, cây trổ buồng, sau đó 3 tháng thì chuối chín. 

Khi lứa đầu tiên thu hoạch, một đầu mối chuyên thu mua nông sản ở Đức Trọng vào thấy vườn chuối của gia đình đã “mê tít”. Ngay hôm đó, họ làm hợp đồng nhận bao tiêu chuối lâu dài cho gia đình chị Vân với giá 7.000 đồng/kg, số lượng chuối không hạn chế... “Trồng chuối lời gấp nhiều lần trồng rau, sản phẩm làm ra đến đâu thương lái cho người vào tự thu hoạch, vận chuyển, vợ chồng tôi chỉ việc đứng nhìn cân, ghi sổ số lượng chuối để tính tiền. Hiện, với 7 sào chuối cho thu hoạch, cùng với việc bán cây giống, mỗi năm, gia đình thu về được gần 400 triệu đồng” - chị Vân thông tin.

Ông Lưu Hoàng Mẫn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ka Đô cho biết: Những năm qua, Phong trào Nông dân thi đua SXKDG trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu và hình thành các mô hình kinh tế hộ gia đình, trang trại, tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, các cấp Hội còn hỗ trợ nông dân bằng nhiều hình thức đa dạng như tín chấp vốn, Hội đã phối hợp với các đơn vị chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng phân bón, máy nông nghiệp trả chậm, xây dựng mô hình trình diễn… 

LAN TỎA PHONG TRÀO

Trong giai đoạn 2017-2022, số lượng hội viên, nông dân huyện Đơn Dương hàng năm đăng ký đạt danh hiệu nông dân thi đua SXKDG các cấp đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Đơn cử, năm 2021 có 11.370 hộ đăng ký hộ SXKDG các cấp, tăng 870 hộ so với năm 2017. Qua bình xét, cuối năm 2021, số hộ được bình chọn đạt danh hiệu hộ SXKDG các cấp là 8.586 hộ, đạt 75% so với hộ đăng ký, tăng 194 hộ so với năm 2017. 

Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Đồng thời, thu hút tạo việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên, hàng ngàn lao động thời vụ. So với giai đoạn 2013 - 2017, số hộ có mức thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng/ năm tăng gấp 3 - 5 lần.

Đơn cử như Mô hình trang trại tổng hợp 10 ha (chăn nuôi bò sữa, vườn ươm, trồng rau công nghệ cao, cây cảnh) của ông Nguyễn Phong Phú ở thị trấn Thạnh Mỹ cho thu nhập trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương 5-6 triệu đồng/người/tháng; Mô hình Trồng rau thương phẩm ứng dụng công nghệ cao với 1,5 ha của ông Nguyễn Văn Trị (xã Lạc Lâm) cho thu nhập 500 triệu đồng/năm…

Trong 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp trong toàn huyện Đơn Dương đã phối hợp với các doanh nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Nông nghiệp huyện tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân nhằm nâng cao kiến thức cho các hộ tiếp cận các mô hình để học tập. Kết quả, Hội đã phối hợp tổ chức 811 buổi hội thảo, tập huấn về kỹ thuật trồng rau, hoa, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao, kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh vật nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…thu hút 43.785 lượt nông dân tham dự.

Theo Hội Nông dân huyện Đơn Dương, những năm qua, Phong trào Nông dân thi đua SXKDG trên địa bàn huyện đã lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực; qua đó khích lệ và phát huy tinh thần lao động sáng tạo của hội viên, nâng cao đời sống cho nông dân, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giai đoạn 2023 - 2028, Hội phấn đấu hàng năm có trên 80% số hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp và giúp hộ thoát nghèo bền vững trên 20 hộ. Đồng thời, phát triển phong trào theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển mô hình kinh tế trang trại, hợp tác, phát triển ngành nghề gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số.