Qua đánh giá của UBND TP Đà Lạt mới đây, quá trình phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng của thành phố đã đạt những thành tựu đáng kể, nhưng bên cạnh đang còn bộc lộ nhiều hạn chế cần có những biện pháp khắc phục trong từng giai đoạn tiếp theo.
Ngành Nông nghiệp Đà Lạt cần tăng cường dự báo, dự tính, định hướng sản xuất các cây trồng hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn |
• CHIẾM 67% DIỆN TÍCH NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Trưởng Phòng Kinh tế Đà Lạt Nguyễn Đức Cứ cho biết, trong một năm vừa qua, toàn TP Đà Lạt đạt diện tích gieo trồng cây hàng năm hơn 16.290 ha, bằng 86,4% so với kế hoạch và 100,8 % so với cùng kỳ. Trong đó, tính riêng diện tích gieo trồng so với cùng kỳ như: rau 9.998 ha, sản lượng 384.923 tấn (98,1%); hoa 5.926 ha, sản lượng hơn 2,4 tỷ cành (106,9%); dâu tây 160 ha (106,7%); dược liệu 110 ha (92,4%); đậu các loại 92 ha (59%), cây khác 5 ha (100%).
Cây lâu năm với diện tích gieo trồng gồm: chè 236,85 ha (đạt 99,9 % so với cùng kỳ và 99,9% so kế hoạch), sản lượng 3.032 tấn; cà phê đạt 5.156,6 ha (bằng 99,4% so cùng kỳ và 99,4% so kế hoạch), sản lượng 9.660 tấn khô; cây ăn quả 691 ha (đạt 104,9 % so với cùng kỳ, 102,4 % kế hoạch), sản lượng khoảng 7.920 tấn.
Đến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP Đà Lạt 7.050 ha (tăng 100 ha so với cuối năm 2021), chiếm 67% trên tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích rau, hoa và cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao 5.009 ha; cây chè 230 ha; cà phê 1.811ha. Giá trị thu hoạch bình quân 1 ha đất canh tác đạt 470 triệu đồng/năm, tăng 70 triệu so với năm 2021 (rau cao cấp 830 triệu đồng/ha; hoa 970 triệu đồng/ha, chè cành chất lượng cao 370 triệu đồng/ha).
Cùng thời gian này, toàn TP Đà Lạt thành lập 3 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, mỗi HTX từ 7 - 10 thành viên, hoạt động sản xuất rau, hoa và dịch vụ du lịch trên diện tích từ 3 - 7 ha. Đặc biệt, có HTX vốn điều lệ lên đến 20 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ cho 10 tổ chức cá nhân sản xuất 6 ha VietGAP; đề xuất công nhận tổng số 8 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, quy mô sản xuất 74,1 ha.
“Trong năm qua, trên địa bàn TP Đà Lạt phát triển và nâng cấp sản phẩm OCOP cho 9 đơn vị với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng; phối hợp với Sở Công thương xây dựng 2 điểm trưng bày sản phẩm OCOP; hỗ trợ HTX Nông nghiệp hữu cơ Song Vũ xây dựng chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cà phê; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long...”, Trưởng Phòng Nguyễn Đức Cứ cho biết thêm.
• CẦN TĂNG CƯỜNG DỰ TÍNH, DỰ BÁO, ĐỊNH HƯỚNG
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Đà Lạt đang bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục bằng những giải pháp hữu hiệu hơn. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Nguyễn Văn Sơn, những hạn chế đó là: Quá trình triển khai các chương trình, đề tài, dự án về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả chưa cao, hạn chế trong việc nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến. Việc phát triển các liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa đạt yêu cầu đề ra. Công tác định hướng, dự báo, dự tính chưa thực hiện tốt để giúp người nông dân sản xuất các chủng loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tình hình thực tế của thị trường. Công tác phối hợp, thông tin giữa các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, xã chưa nhịp nhàng.
Giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại nói trên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Nguyễn Văn Sơn chỉ đạo Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân TP Đà Lạt, Trung tâm Nông nghiệp và UBND các phường, xã nắm chắc thông tin, số liệu về tình hình sản xuất nông nghiệp, giá cả thị trường để kịp thời dự báo, dự tính, định hướng cho người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đảm bảo hiệu quả kinh tế. Qua đó mở rộng những vùng nông nghiệp chuyên canh các sản phẩm đặc thù, thế mạnh, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của từng khu vực.
Phòng Kinh tế TP Đà Lạt cũng cần tăng cường công tác tham mưu lựa chọn các đơn vị, tổ chức, cá nhân có năng lực để thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; đồng thời, tham mưu các biện pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để hưởng ưu đãi từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách...
Được biết, toàn TP Đà Lạt hiện có 52 chuỗi giá trị liên kết sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ trên thị trường. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2023 trên toàn địa bàn TP Đà Lạt sẽ tăng lên 60 chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin