Trong thời gian qua, Huyện ủy Đơn Dương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch chất lượng cao trên địa bàn. Từ đó, góp phần phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, hướng đến phục vụ ngành Nông nghiệp hữu cơ, thông minh, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp địa phương phát triển bền vững.
Làng nghề sản xuất gốm của đồng bào dân tộc Churu tại Đơn Dương đang được bảo tồn, phát huy và phục vụ du lịch |
Đơn Dương là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Tuy nhiên, tình hình phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Chính vì vậy, Huyện ủy Đơn Dương đã ban hành nghị quyết cũng như các văn bản liên quan để lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn. Trong đó, Huyện ủy Đơn Dương cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện việc phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch chất lượng cao tại địa phương.
Cụ thể, Huyện ủy Đơn Dương chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức đối với việc phát triển ngành Thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, hữu cơ, góp phần chuyển dịch tỷ trọng cơ cấu kinh tế địa phương. Cùng với đó, Huyện ủy Đơn Dương cũng chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tiếp tục nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc phát triển ngành Thương mại, dịch vụ, du lịch tác động đến phát triển kinh tế - xã hội...
Huyện ủy Đơn Dương cũng chỉ đạo nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, vai trò của các cấp, các ngành về công tác phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện phù hợp, hiệu quả. Nâng cao công tác dự báo, định hướng, lấy thị trường làm cơ sở để định hướng sản xuất, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, chỉnh trang đô thị, tạo cơ chế chính sách về đất đai, vốn, thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất ngành Thương mại, dịch vụ và du lịch. Phát triển thương hiệu các loại sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với việc sử dụng có hiệu quả thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thiết thực nhằm xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa sáu nhà “Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà ngân hàng - Nhà phân phối” trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tạo sự gắn kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ nghiên cứu - ứng dụng - sản xuất - phân phối tới tiêu dùng.
Đơn Dương cũng đã đề ra giải pháp để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn với việc đẩy mạnh việc phát triển thương mại điện tử thông qua khuyến khích thiết lập các website, ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt là các sản phẩm đặc thù, OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm) của huyện, ứng dụng QR (quét mã vạch) trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa… Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư tôn tạo, nâng cấp các khu, điểm du lịch, xây dựng các khu vui chơi giải trí, phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và các công trình hạ tầng phục vụ du lịch. Phát triển, đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái; du lịch tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch vườn cây ăn trái...
Ngoài ra, Huyện ủy Đơn Dương cũng chỉ đạo xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm tại địa phương; phát triển văn hóa làng nghề truyền thống và một số sản phẩm khác; đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng chính sách hấp dẫn, thuận lợi về đất đai, tài chính, hạ tầng cho các dự án đầu tư phát triển du lịch; tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh hợp pháp và hưởng lợi từ du lịch...
Đồng chí Trương Văn Tùng - Bí thư Huyện ủy Đơn Dương cho biết, những nhiệm vụ, giải pháp phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch được xây dựng, ban hành nhằm phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch theo hướng đa ngành, đa dạng sản phẩm hàng hóa; chú trọng quy hoạch và phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn tôn tạo cảnh quan thiên nhiên và phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch. Từ đó, góp phần nâng cao trình độ dân trí, nâng cao vị thế du lịch Đơn Dương - Lâm Đồng đối với cả nước cũng như quốc tế, thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu tại chỗ và phát triển nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ; giải quyết việc làm; xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Đơn Dương cũng đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,6%, trong đó, khu vực dịch vụ tăng 9,4%; ngành Thương mại - dịch vụ chiếm 36,3% trong cơ cấu kinh tế; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm 10%, đến năm 2025 đạt khoảng 19,496 triệu USD; số lượt khách du lịch qua đăng ký lưu trú tăng bình quân từ 9 - 10%/năm; tăng tỷ trọng ngành Du lịch - dịch vụ trong GRDP của huyện đạt trên 30%.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin