Là một tỉnh sản xuất nông nghiệp, hàng năm phải thu gom khối lượng lớn rác thải nông nghiệp nói chung và rác thải nhựa nói riêng, Lâm Đồng đang cần nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, mở rộng sản xuất thân thiện môi trường.
Qua rà soát trong một năm vừa qua, toàn tỉnh Lâm Đồng sử dụng khoảng 1 triệu tấn phân bón và 3.500 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) các loại. So với năm trước đó giảm 50.000 tấn phân bón và 200 tấn thuốc BVTV nhờ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ. Tuy nhiên, lượng rác thải vẫn đáng kể với khoảng 572 tấn bao bì phân bón, 185 tấn bao bì thuốc BVTV.
Trong khi đó, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của ngân sách địa phương và doanh nghiệp, toàn tỉnh đã xây dựng 22 kho lưu chứa, lắp đặt 3.701 bể thu gom bao gói thuốc BVTV tại các trục đường nội đồng, trong một năm vừa qua mới thu gom, tiêu hủy đúng quy định 42,5 tấn/175 tấn, chiếm 24,3%.
Hiện, Lâm Đồng có 4.479 ha nhà kính (1,5 - 2 tấn màng nilon /ha); 12.178 ha màng phủ luống (250 kg/ha). Phần lớn khối lượng nilon nhà kính và khoảng 10% màng phủ sau sử dụng được các đơn vị thu mua, vận chuyển đi các tỉnh khác để tái chế. Ngoài ra còn phát sinh các loại chất thải nhựa khác trong chăn nuôi, cơ bản được thu gom, xử lý theo quy định…
“Khó khăn hiện nay với Lâm Đồng không có đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Kinh phí tiêu hủy bao gói thuốc BVTV ở mức cao (25.000 - 30.000 đ/kg) do phải vận chuyển ra ngoài tỉnh. Ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân chưa cao, nên vẫn còn tình trạng bao gói thuốc BVTV, phân bón, giống cây trồng còn bỏ ra ngoài đồng, sông, suối hoặc đốt gây ô nhiễm môi trường…”, theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng.
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, Lâm Đồng lồng ghép linh hoạt các chương trình, đề án để tập huấn, chuyển giao quy trình, công nghệ canh tác mới cho người dân phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn, sinh thái…
Đồng thời, thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình sáng kiến và kinh nghiệm giảm thiểu chất thải nhựa nông nghiệp để nhân rộng trong cộng đồng.
Lâm Đồng cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các đề tài khoa học nghiên cứu vật liệu thân thiện môi trường thay thế vật liệu nhựa trong nông nghiệp; các loại giống cây trồng và công nghệ mới để canh tác không sử dụng nhà kính mà vẫn đem lại hiệu quả tương đương…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin