(LĐ online) - Đây là một nội dung tại Quyết định số 611 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, UBND các huyện Lạc Dương, Đam Rông và TP Đà Lạt triển khai ngày 9/6.
Loài Sâm Lang Biang tại tỉnh Lâm Đồng |
Theo Chương trình phát triển Sâm Việt Nam, cùng với 8 tỉnh (Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu, Điện Biên, Gia Lai, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Nghệ An), tỉnh Lâm Đồng dự kiến đến năm 2030 sẽ phát triển 50 ha, trong đó 40 ha dưới tán rừng phòng hộ và 10 ha trên đất nông nghiệp khác. Trong tổng diện tích dự kiến phát triển tại địa bàn 9 tỉnh là 21.000 ha vào năm 2030, tỉnh Lâm Đồng có nhiệm vụ bảo tồn, gây trồng, phát triển quy mô thử nghiệm ở khu vực có điều kiện tự nhiên phù hợp đối với loài Sâm Lang Biang.
Chương trình của Chính phủ đề ra nhiệm vụ của 9 tỉnh nêu trên là đánh giá về phân bố, loài (phân tích gen), diện tích, trữ lượng và đề xuất vùng trồng thích hợp; xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị và vườn sưu tập nguồn gen tại một số vùng sinh thái điển hình có phân bố tự nhiên; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn, phát triển nguồn gen và xác định vùng trồng thích hợp.
Tuy nhiên, đối với loài Sâm Lang Biang, theo một nhà khoa học tiên phong điều tra, khảo cứu loài này cho biết, hiện tại khó khăn nhất là nguồn gen thuần dòng rất khan hiếm, do đó vấn đề nhân giống sẽ là thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển diện tích.
Mục tiêu chung của Chương trình phát triển Sâm Việt Nam là xây dựng và phát triển loài thực vật này thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y dược và chăm sóc sức khỏe, mang lại thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin