Tìm giải pháp cải thiện chỉ số PCI

DIỄM THƯƠNG 00:01, 29/06/2023

Không ngừng nỗ lực, kiên trì thực hiện cải thiện chỉ số PCI, Lâm Đồng đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, quyết liệt để sớm đạt mục tiêu nâng cao cạnh tranh cấp tỉnh, trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư kinh doanh.

Cải cách hành chính tại Lâm Đồng đạt nhiều kết quả rõ nét
Cải cách hành chính tại Lâm Đồng đạt nhiều kết quả rõ nét

KẾT QUẢ CẢI THIỆN NHƯNG CÒN CHẬM

Theo công bố của VCCI và USAID tại Việt Nam, năm 2022, PCI của tỉnh Lâm Đồng xếp ở vị trí 17/63 tỉnh, thành với 67,62 điểm (tăng 0,45 điểm và giảm 2 bậc so với năm 2021). Việc tăng điểm số PCI so với năm 2021 phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải thiện, các sở, ban, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Tuy nhiên, năm 2022, vị trí xếp hạng PCI của tỉnh Lâm Đồng giảm 2 bậc so với năm 2021 cho thấy các tỉnh, thành trong cả nước đã tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; mức độ gia tăng điểm số của các tỉnh, thành cao và nhanh hơn tỉnh Lâm Đồng. 

Một số chỉ số phải kể đến như: Doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn, tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại cần nỗ lực cải cách. Năm 2022, chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất đạt 7,84 điểm, tăng 0,56 điểm, tăng 17 bậc; xếp ở vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành. Đây là chỉ số không tăng nhiều điểm nhưng tăng vượt bậc về thứ hạng.

Đồng thời, môi trường kinh doanh minh bạch hơn, thông tin kinh doanh công khai hơn. Chỉ số tính minh bạch năm 2022 của tỉnh đạt 5,8 điểm, tăng 0,23 điểm, tăng 4 bậc xếp ở vị trí thứ 42/63 tỉnh, thành - là chỉ số tăng điểm và tăng bậc. Năm 2022, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp, công khai các quy hoạch trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; công khai tài liệu pháp lý bằng nhiều hình thức, phương thức; cập nhật dữ liệu các văn bản quy phạm pháp luật trên hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản quốc gia của tỉnh.

Chỉ số điểm thời gian thanh, kiểm tra và thực hiện các thủ tục hành chính có xu hướng giảm. Chỉ số chi phí thời gian năm 2022 của tỉnh đạt 6,92 điểm, tăng 0,37 điểm, tăng 11 bậc xếp ở vị trí thứ 45/63 tỉnh, thành là chỉ số tăng điểm mạnh và tăng vượt bậc về thứ hạng. Việc chi trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm. Chỉ số chi phí không chính thức của tỉnh đạt 7,63 điểm, tăng 0,86 điểm - chỉ số tuy không tăng nhiều điểm nhưng tăng vượt bậc về thứ hạng, cụ thể tăng 33 bậc và xếp ở vị trí 9/63 tỉnh, thành.

Đặc biệt, tính năng động, sáng tạo của chính quyền tỉnh có xu hướng tăng và đạt 6,80 điểm, tăng 0,37 điểm. Đây là chỉ số tăng điểm số và tăng vượt bậc về thứ hạng, cụ thể tăng 26 bậc và xếp ở vị trí 27/63 tỉnh, thành.

Bên cạnh đó, cũng còn một số chỉ số có xu hướng giảm, còn hạn chế như: Chi phí gia nhập thị trường có xu hướng tăng, môi trường cạnh tranh chưa thật sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện, chính sách đào tạo lao động còn hạn chế…

• NHIỀU GIẢI PHÁP THĂNG HẠNG

Đánh giá chung, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, các cấp, các ngành, địa phương bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh để triển khai nhiệm vụ 2022. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng triển khai, niềm tin của doanh nghiệp đối với chính quyền được củng cố. Mặc dù rất nỗ lực nhưng một số chỉ số thành phần chưa đạt được mục tiêu đã đề ra; một số chỉ tiêu đã có sự cải thiện tăng điểm hoặc tăng hạng nhưng nhìn chung vẫn ở thứ hạng chưa cao so với các địa phương trên cả nước.. 

Theo VCCI, các kinh nghiệm được đưa ra sau khi phân tích các chỉ số cụ thể của năm 2022, Lâm Đồng cần thường xuyên rà soát, bám sát mục tiêu các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đổi số. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp. 

Đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, các giải pháp phải được thực hiện một cách quyết liệt hơn nữa, các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch khắc phục các tồn tại hạn chế ở từng chỉ số. Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị được giao làm đầu mối các chỉ số thành phần PCI phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về điểm số và thứ hạng các chỉ số thuộc trách nhiệm cơ quan mình. Triển khai các giải pháp để rút ngắn số ngày đăng ký doanh nghiệp từ 9,5 ngày xuống còn 3 - 4 ngày. 

Mặt khác, phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền; thực hiện tốt chức năng giám sát, vận động người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và phát triển chính quyền số; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh do-anh, cấp phép đầu tư, kiên quyết loại bỏ các rào cản bất hợp lý, các chi phí không chính thức. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.