Đánh giá hoạt động tín dụng chính sách 6 tháng đầu năm

LÊ HOA 20:18, 05/07/2023

(LĐ online) - Ngày 5/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp - Trưởng Ban đại diện (BĐD) Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Lâm Đồng chủ trì buổi họp đánh giá tình hình hoạt động tín dụng chính sách 6 tháng đầu năm 2023. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp chủ trì buổi họp đánh giá tình hình hoạt động tín dụng chính sách 6 tháng đầu năm
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp chủ trì buổi họp đánh giá tình hình hoạt động tín dụng chính sách 6 tháng đầu năm

Tham dự có lãnh đạo các sở ngành, tổ chức chính trị xã hội là thành viên BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh và các phòng chuyên môn của NHCSXH tỉnh Lâm Đồng.

Báo cáo của BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh do bà Nguyễn Thị Ngọc Thu - Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, trình bày, cho biết: Thời gian qua, BĐD HĐQT tiếp tục kiện toàn BĐD HĐQT NHCSXH các cấp; tổ chức các phiên họp của BĐD đúng quy định, chất lượng; làm tốt công tác nhận uỷ thác của địa phương và công tác kiểm tra giám sát…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu – Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, trình bày báo cáo hoạt động tín dụng chính sách
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu – Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, trình bày báo cáo hoạt động tín dụng chính sách

Đến 30/6/2023, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã cơ bản thực hiện đạt các chỉ tiêu BĐD NHCSXH tỉnh đã đề ra, với tăng trưởng huy động vốn đạt 11,3% so với đầu năm; dư nợ tăng 392.884 triệu đồng so với đầu năm, đạt 91,1% kế hoạch, trong đó dư nợ cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP là 289.716 triệu đồng; chất lượng hoạt động tại 142 điểm giao dịch xã, chất lượng tín dụng chính sách được duy trì và nâng lên; tỷ lệ nợ quá hạn 0,05%/tổng dư nợ, giảm 0,01% so với đầu năm (1 Phòng giao dịch và 82 xã không có nợ quá hạn; 14 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, 458 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã không có nợ quá hạn); tỷ lệ tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, loại khá chiếm 99,4%, không còn tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại yếu; đánh giá chất lượng tín dụng chính sách của Chi nhánh, của 11 Phòng giao dịch và Hội sở tỉnh đều xếp loại tốt.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư sản xuất, hỗ trợ 759 hộ nghèo, 2.845 hộ cận nghèo và 1.885 hộ mới thoát nghèo được vay vốn; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 3.598 lao động, 571 gia đình học sinh sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập, 15 gia đình học sinh sinh viên vay vốn mua máy tính thiết bị học tập trực tuyến, giúp cho 7.705 hộ gia đình tại vùng nông thôn xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, 177 hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP; qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và sở, ngành đánh giá tình hình hoạt động tín dụng chính sách. Trong ảnh: Ông Vũ Công Tiến - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phát biểu ý kiến
Đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và sở, ngành đánh giá tình hình hoạt động tín dụng chính sách. Trong ảnh: Ông Vũ Công Tiến - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phát biểu ý kiến

Tuy nhiên, trong hoạt động của NHCSXH còn một số khó khăn, tồn tại: Mặc dù nợ quá hạn giảm so đầu năm, nhưng vẫn còn 2 Hội nhận ủy thác có nợ quá hạn tăng về số tuyệt đối, 2 Phòng giao dịch có tỷ lệ nợ quá hạn trên 0,1%, 2 đơn vị cấp xã có tỷ lệ nợ quá hạn trên 0,5%, còn 12 Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình; cho vay hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ về nhà ở theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP còn chậm do địa phương chưa ban hành định mức hỗ trợ cụ thể đối với các đối tượng này; nhu cầu vay vốn để khởi nghiệp trong thanh niên là rất lớn, nhưng nguồn vốn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Phát biểu đánh giá tại cuộc họp, thành viên BĐD HĐQT NHCSXH báo cáo tổng hợp tình hình qua kiểm tra, giám sát…; đề nghị bổ sung, làm rõ một số vấn đề; đề xuất các giải pháp để hoàn thiện báo cáo và thực hiện tốt hơn trong 6 tháng cuối năm, như: Bên cạnh các chương trình tín dụng chính sách và giải pháp hiện có, nên đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiên cứu có chính sách riêng đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số để góp phần ổn định an ninh chính trị; tăng nguồn vốn hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, hỗ trợ giải quyết việc làm…

Toàn cảnh đánh giá tình hình tín dụng chính sách 6 tháng đầu năm
Toàn cảnh đánh giá tình hình tín dụng chính sách 6 tháng đầu năm

Đánh giá chung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp, kết luận: Hoạt động của BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện đúng các chương trình, nội dung, kế hoạch của Nghị quyết đã đề ra và có kết quả tốt… 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, ngoài các nội dung nhiệm vụ, giải pháp, trong 6 tháng cuối năm, hoạt động tín dụng chính sách cần tập trung vào việc phối hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường sự hỗ trợ của địa phương với hoạt động tín dụng chính sách…