Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong tuyên truyền thúc đẩy kinh tế vùng DTTS

NGUYỆT THU 00:39, 03/07/2023

Với vai trò là thành viên của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), nhiều năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, gần gũi, gắn bó, tuyên truyền, vận động nông dân, nhất là bà con nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi... Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng DTTS trong tỉnh.

Trồng dâu, nuôi tằm giúp cho nông dân người DTTS có thu nhập ổn định
Trồng dâu, nuôi tằm giúp cho nông dân người DTTS có thu nhập ổn định

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 155 ngàn hội viên Hội Nông dân thuộc 47 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, làm ăn, phát triển kinh tế - xã hội. Với vai trò, chức năng của mình, nhiều năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phát huy tốt vai trò là cầu nối, định hướng, tuyên truyền, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nhất là nông dân ở vùng DTTS của tỉnh.

Theo thống kê của Hội Nông dân, chỉ tính riêng năm 2022, các cấp Hội đã tổ chức 2.666 buổi tuyên truyền cho 170.680 lượt hội viên. Nội dung chủ yếu là định hướng cho nông dân về trọng tâm cây trồng, vật nuôi chủ lực, theo định hướng chung của tỉnh, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tham gia ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Giới thiệu những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua, đã thành lập được 4 chi hội nông dân nghề nghiệp với 85 thành viên tham gia, thành lập 3 Tổ Hội nông dân nghề nghiệp với 62 thành viên trong vùng DTTS tham gia. Hội Nông dân đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện 12 mô hình phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 1,8 tỷ đồng. Trong đó, đã xây dựng được 4 mô hình kinh tế trong vùng DTTS với kinh phí hỗ trợ là trên 658 tỷ đồng. Điển hình như dự án trồng và chăm sóc sầu riêng, trồng dâu nuôi tằm, chăm sóc cà phê có trị giá khoảng 500 triệu đồng tại huyện Di Linh. Hay như Mô hình “Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong canh tác cây sầu riêng theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và an toàn sinh học” tại xã Rô Men, huyện Đam Rông có trị giá trên 158 tỷ đồng. Bên cạnh đó, được biết, Hội Nông dân tỉnh đã giải ngân trên 8,9 tỷ đồng đối với 29 dự án cho 279 hộ đồng bào DTTS từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và giải ngân trên 24 tỷ đồng từ nguồn vốn ủy thác với các ngân hàng thực hiện hỗ trợ cho hội viên nông dân phát triển sản xuất.

Tham gia tích cực trong đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động, Hội Nông dân đã tổ chức 4 đợt tuyên truyền về nông thôn mới trong vùng DTTS. Cụ thể, vận động bà con tham gia xây dựng hương ước, quy ước, xây dựng thôn, xã văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội, bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan, tham gia bảo vệ môi trường. Hội Nông dân các cấp đã vận động hội viên đóng góp trên 55 tỷ đồng và trên 12 ngàn ngày công tham gia xây dựng, sửa chữa trên 171 km đường giao thông nông thôn và nạo vét kênh mương… Xây dựng mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thực hiện giúp đỡ hỗ trợ nông dân khó khăn trị giá trên 5 tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ giống, phân bón, vốn. 

Hoạt động tích cực này của Hội Nông dân đã góp phần chung vào quá trình xây dựng và hoàn thành mục tiêu 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 73/77 xã vùng DTTS đạt xã nông thôn mới, hướng đến mục tiêu chung tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn nông thôn mới vào trước năm 2025.

Chia sẻ với các tỉnh bạn về những kinh nghiệm nhằm phát huy vai trò tổ chức Hội trong phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thứ nhất là tập trung tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương. Chú trọng phát huy mạnh mẽ công tác phối hợp giữa Ban Dân tộc với Hội Nông dân theo giai đoạn 2021 - 2025. Mặt khác, chú trọng phát huy vai trò giám sát của hội viên nông dân trong thực hiện chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS tại địa phương. Thường xuyên, định kỳ tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của hội viên và bà con Nhân dân để kịp thời báo cáo, tham mưu, đề nghị giải pháp thực hiện kịp thời, tránh để xảy ra bức xúc, điểm nóng khó lường. Đặc biệt, phối hợp với MTTQ các cấp phát huy tốt vai trò trọng trách của người uy tín, già làng, trưởng bản để thực hiện tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.