Di thực trà dây về vườn nhà

DIỆP QUỲNH 03:51, 06/10/2023

Một nông dân đã thực hiện di thực cây trà dây từ rừng về vườn nhà. Từ thành công khi cây trà dây sống tốt dưới bóng cây bơ, cây mắc ca, sản phẩm trà dây khô đã ra đời và đến tay người tiêu dùng. 

Anh Minh bên một gốc trà dây
Anh Minh bên một gốc trà dây

Anh Nguyễn Huy Minh, thôn Nhân Hòa, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà vốn là người trồng cà phê, dâu tằm. Từ nhiều năm nay, anh Minh chuyển sang canh tác nông nghiệp theo hướng vườn rừng, với việc trồng cây rau bò khai, lỗ bình, bầu đất dưới tán cây ăn trái như bơ, sầu riêng. Nhưng ít người biết, anh Minh còn là người di thực hàng trăm cây trà dây, một loài cây dược liệu quý của rừng Lâm Đồng về trồng trong vườn nhà.

Anh Nguyễn Huy Minh chia sẻ, ban đầu, anh đi rừng lấy cây trà dây về chủ yếu để chữa bệnh đau bao tử cho mẹ. Giống cây thân leo chủ yếu sống dưới tán rừng có tác dụng rất tốt cho việc hỗ trợ người bệnh đau bao tử. Sau nhiều năm uống trà dây, mẹ anh đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, anh Minh cũng băn khoăn, cây thuốc tốt trong rừng càng ngày càng ít, người đi thu hoạch nhiều khiến cây thuốc lùi tít vào núi xa. Vậy là anh nảy ra ý định mang cây trà dây về trồng thử trong vườn nhà, nghiên cứu thử xem cây có sống chung được với các loại cây trồng như sầu riêng, bơ. 

Để thử nghiệm, năm 2010, anh Minh thử đào 5 gốc trà dây về trồng trong vườn. Để tái tạo sinh cảnh giống như môi trường sống tự nhiên của cây, anh trồng cây con xuống đất đồng thời trồng bên cạnh một cây thân gỗ bất kỳ. Cây trà lớn lên, bám vào cây thân gỗ để phát triển. Sau khi lớn, thân hoá gỗ, cây cứng cáp hơn nhưng các cành của cây trà vẫn cần “nọc” cây gỗ để vươn xa. Anh Minh nhận xét: “Là cây dược liệu hoang dã nên sức sống của trà dây rất tốt, trồng lên đã bám rễ là cây không chết. Như gia đình tôi, trồng nhiều cây từ năm 2010, có cây di thực từ rừng về, có cây ra hoa kết quả, hạt tự mọc lên cây con, cây sống khỏe, không sâu bệnh”. Hiện, vườn trà dây của gia đình anh Minh đã có 200 cây cho thu hoạch thường xuyên. 

Theo anh Minh, cây trà dây chỉ cần chăm sóc khi còn non. Chế độ chăm cũng đơn giản, vào mùa nắng, khi thời gian nắng nóng kéo dài cần tưới nước cho cây. Thi thoảng cho cây “ăn” ít phân hữu cơ là đủ. Còn khi cây đã lớn, hoàn toàn không cần chăm bón hay tưới nước, kể cả vào mùa khô. Anh Minh chia sẻ: “Cây trà dây là cây bản địa của vùng đồi rừng Lâm Đồng, cây thích ứng được với khí hậu, thời tiết của Lâm Đồng. Nhất là thời điểm mùa khô kéo dài, cây hạn chế phát triển đồng thời là thời điểm cây tập trung dược chất vào cành, lá. Vì vậy trà dây Lâm Đồng được đánh giá có hàm lượng dược chất cao, hiệu quả trong điều trị bệnh bao tử”. 

Anh Nguyễn Huy Minh thường thu hoạch bằng cắt cành, cắt các cành bánh tẻ sát luôn thân cây. Anh thu hoạch 1 tháng/lần, sau khi cắt, cây mọc ra cành mới khá nhanh. Trà dây được sao tái, ủ lên men sau đó sấy khô, trở thành một loại trà có thể bảo quản lâu, sử dụng rất nhanh gọn, tương tự như các loại trà khác. Yêu cầu dứt khoát là ngay sau khi thu hoạch phải đưa vào chế biến ngay, đảm bảo lượng dược chất không bị thất thoát, bốc hơi. Trà được chia thành hai loại, trà lá và trà cành. Hiện, anh Minh đang thu hoạch và sản xuất xấp xỉ 1,5-2 tạ trà khô mỗi tháng, cung ứng cho thị trường với giá 210 ngàn đồng/kg trà lá và 120 ngàn đồng/kg trà cành.

Ông Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đan Phượng đánh giá, mô mình di thực cây trà dây về vườn nhà của anh Nguyễn Huy Minh là mô hình rất thành công. Anh Minh là nông hộ đang tiến hành đăng ký sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Anh cũng đã rất thành công trong việc phát triển vườn trà dây dưới tán cây ăn trái. Hiện, sản phẩm trà dây của anh Minh được thị trường đón nhận và xã đang lên kế hoạch xây dựng sản phẩm trà dây thành sản phẩm OCOP. Ông Thông cũng nhận xét, di thực thành công cây trà dây về vườn nhà sẽ giúp giảm các hoạt động đi chặt cây, khai thác trà dây trong rừng, giúp trà dây trong tự nhiên phát triển mạnh hơn, đảm bảo đa dạng sinh học rừng an toàn hơn.