(LĐ online) - Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng có văn bản đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận về việc bổ sung nguồn vốn nhà nước vào Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt trong giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) khoảng 9.900 tỷ đồng.
Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt xưa hiện giờ chỉ còn Ga Đà Lạt - Trại Mát phục vụ du lịch dài 7km |
Về nội dung Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng) đề xuất, kiến nghị, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đối với phương án sử dụng vốn nhà nước tham gia vào Dự án theo phương thức PPP. Kết quả tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 15/12/2023.
UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối phối hợp với Công ty Bạch Đằng để triển khai các thủ tục, hồ sơ liên quan đến công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng của Dự án.
Theo văn bản từ Công ty Bạch Đằng gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận, hiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được Cục Đường sắt Việt Nam trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP tại Tờ trình số 2146/TTr-CĐSVN ngày 21/9/2023.
Tiếp theo đó, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản số 11023 ngày 2/10/2023 và Cục Đường sắt Việt Nam có Công văn ngày 30/10/2023, trong đó yêu cầu bổ sung hoàn thiện nội dung sử dụng vốn nhà nước và hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, Công ty Bạch Đằng đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng xem xét có ý kiến bổ sung hoàn thiện sử dụng vốn nhà nước cho đầu tư Dự án.
Công ty Bạch Đằng cho rằng, để phương án phân tích, đánh giá tài chính của Dự án có tính khả thi, cũng như thu hút được các nhà đầu tư tham gia đầu tư Dự án, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đề xuất nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ cho Dự án khoảng 9.900 tỷ đồng.
Trong đó bao gồm, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 4.091 tỷ đồng theo đơn giá đất cập nhật năm 2023 (tỉnh Ninh Thuận khoảng 608 tỷ đồng, tỉnh Lâm Đồng khoảng 3.483 tỷ đồng) và hỗ trợ chi phí xây dựng khoảng 5.089 tỷ đồng.
Do đó, để có cơ sở báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cho Dự án, doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng xem xét khả năng cân đối và bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương cho Dự án. Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ được giải ngân trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 cho các hạng mục như: Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và một phần chi phí xây dựng.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khối lượng chiếm dụng đất rừng của Dự án, cụ thể: Đất rừng phòng hộ khoảng 3,44 ha (thuộc tỉnh Lâm Đồng); đất rừng sản xuất khoảng 34,67 ha (thuộc tỉnh Ninh Thuận là 18,84 ha và tỉnh Lâm Đồng là 15,83 ha).
Đối chiếu với quy định tại Điều 20 của Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14, Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/20218 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là HĐND tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Do đó, doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng xem xét, giao đầu mối phối hợp với Công ty Bạch Đằng để lập hồ sơ và trình HĐND các tỉnh để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin