Không chỉ nổi tiếng về các sản phẩm trà, tơ lụa và cà phê, TP Bảo Lộc còn là trung tâm công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các kỹ sư, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP Bảo Lộc đồng loạt tổ chức ra quân với tâm thế hào hứng, sôi nổi, thể hiện quyết tâm cùng doanh nghiệp hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động sản xuất rộn ràng, phấn khởi đầu năm 2024 tại Công ty B’Lao Food |
Có mặt tại Công ty B’Lao Food (Khu công nghiệp Lộc Sơn), doanh nghiệp chế biến nông sản lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, có tổ hợp dây chuyền sản xuất với thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại từ Thụy Điển, chúng tôi nhận thấy không khí thi đua lao động sản xuất khá sôi động. Công ty B’Lao Food chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2023, với sản lượng tiêu thụ trong năm đạt 4.893 tấn nguyên liệu và thành phẩm là 1.680 tấn, doanh thu đạt 120 tỷ đồng. Các sản phẩm chính mà Công ty sản xuất chủ yếu là trái cây cấp đông như sầu riêng, chanh dây, bơ và xoài… Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn châu Âu, sản phẩm của B’Lao Food chủ yếu phục vụ xuất khẩu qua các thị trường như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Antesco (Công ty mẹ của B’Lao Food), hiện tại, B’Lao Food, đang tạo công ăn việc làm cho hơn 270 lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 8 đến 12 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2024, Công ty tiếp tục cải tiến kỹ thuật và đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất để tăng năng suất, giảm giá thành và tăng giá trị sản phẩm. Qua đó, phấn đấu đạt sản lượng tiêu thụ nguyên liệu các loại nông sản, trái cây 7.300 tấn và đạt doanh thu trên 400 tỷ đồng.
Tại Công ty Trà Phước Lạc (xã Đam B’ri), ông Lâm Tuyền - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, hiện tại, công ty đang tạo công ăn, việc làm ổn định cho hơn 30 lao động chính thức và hơn 150 lao động thời vụ. Mức thu nhập bình quân của lao động chính thức từ 9 đến 15 triệu đồng/người/tháng; sản xuất, chế biến đạt khoảng 100 tấn trà Ôlong/năm. Qua đó, có những đóng góp tích cực cho ngành trà địa phương ngày càng phát triển.
Tương tự, là một doanh nghiệp đi đầu trong đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào xe tơ - dệt lụa tại TP Bảo Lộc, Công ty Xe tơ - Dệt lụa Hà Bảo đã khai xuân đi vào sản xuất đúng vào ngày mùng 6 Tết. Không khí sản xuất tại Công ty Hà Bảo tràn đầy năng lượng, hướng đến một năm Giáp Thìn với nhiều dự định, kỳ vọng theo kế hoạch đã được định sẵn.
Bà Hà Thị Hoa - Giám đốc Công ty Xe tơ - Dệt lụa Hà Bảo, cho biết: Hiện tại, trung bình mỗi năm, Công ty sản xuất khoảng 50 tấn tơ thành phẩm phục vụ xuất khẩu qua các thị trường như Pháp, Nhật Bản và Ấn Độ. Hiện, Chi bộ Công ty có 10 đảng viên trên tổng số hơn 80 lao động, với mức thu nhập từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2024, Công ty đã xuất khẩu thành công đơn hàng khăn lụa qua Pháp và tiếp tục các đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu. Hệ thống xe tơ, dệt lụa của Công ty được đầu tư hoàn toàn tự động, hiện đại; mỗi năm sản xuất khoảng 50 tấn tơ thành phẩm, với 80% tơ xuất khẩu.
Còn Công ty Cổ phần Golden Coffee là doanh nghiệp sản xuất cà phê nhân chất lượng cao tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, với sản phẩm chủ lực là cà phê Robusta xuất khẩu đi các thị trường như Ý, Tây Ban Nha, Đức và Mỹ. Với hệ thống trang thiết bị, máy móc, dây chuyền hiện đại, Công ty chỉ có 20 lao động vận hành dây chuyền sản xuất. Mỗi năm, Công ty sản xuất, chế biến khoảng 12.000 tấn cà phê nhân xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Đối với Công ty TNHH Minh Tuấn là đơn vị sản xuất nước tinh khiết thương hiệu Good lâu năm tại TP Bảo Lộc cũng đang tạo công ăn, việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập từ 8 đến 15 triệu đồng/tháng; đồng thời, Công ty có nhiều đóng góp cho hoạt động từ thiện, nhân đạo tại địa phương.
Theo thống kê của TP Bảo Lộc, trong năm 2023, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn hoạt động ổn định, đáp ứng các đơn hàng đã ký và nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bên cạnh đó, ngành sản xuất và phân phối điện duy trì công suất chạy máy phát điện cung cấp cho hệ thống điện quốc gia nên chỉ số tăng nhẹ so cùng kỳ.
Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng khá so với kế hoạch đề ra; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt hơn 6.991 tỷ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các sản phẩm chế biến chè, tơ lụa, cà phê vẫn là thế mạnh và duy trì sự tăng trưởng ổn định đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Nhân dịp đầu năm mới, đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng lãnh đạo TP Bảo Lộc đã đến thăm, chúc Tết, động viên và kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Lộc Sơn. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã gửi lời chúc tới các doanh nghiệp, công nhân, người lao động có một năm Giáp Thìn hoạt động thành công, phát triển hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động an sinh xã hội của địa phương. Đồng chí kỳ vọng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp sẵn sàng ra quân sản xuất, kinh doanh đầu năm, tạo khí thế, động lực cho một năm thành công, thắng lợi trong hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn để Bảo Lộc xứng đáng là trung tâm công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin