Ở cao nguyên Di Linh, mắc ca đang dần khẳng định vị thế là một loại cây trồng tiềm năng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương. Góp phần vào sự phát triển đó, không thể không nhắc đến cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Trường, người đã kiên trì, gắn bó với mắc ca và đưa loại hạt dinh dưỡng này vươn ra thị trường quốc tế.
CCB Lê Văn Trường chế biến mắc ca thành mắc ca sấy, tinh dầu, ngũ cốc giúp nâng cao giá trị sản phẩm |
• BÉN DUYÊN VÀ KIÊN TRÌ VỚI MẮC CA
Sinh năm 1963 tại Hà Tĩnh, sau thời gian công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đồng Nai), năm 1987, ông Lê Văn Trường chọn Di Linh - Lâm Đồng để lập nghiệp. Ban đầu, ông trồng cà phê, tiêu, dâu nuôi tằm. Đến năm 2012, nhận thấy tiềm năng của cây mắc ca, ông mạnh dạn chuyển đổi 2 ha cà phê sang trồng loại cây này. “Lúc mới trồng, nhiều người lo ngại vì mắc ca phải 7-8 năm mới cho thu hoạch. Nhưng tôi tin tưởng vào quyết định của mình”, ông Trường chia sẻ.
Hơn 11 năm trước, ông lặn lội sang Đắk Lắk mua giống mắc ca về trồng. 750 cây mắc ca xen canh cà phê trên diện tích hơn 3 ha cứ thế lớn lên. Suốt 5 năm sau đó, những cây mắc ca vẫn “lặng thinh” giữa nương rẫy. Nhiều gia đình cùng thời điểm đã chặt bỏ để lấy lại vườn cho cà phê. Đã có lúc, ông dao động, nhưng rồi tự nhủ “không thể vội vàng bỏ cuộc, nhất là khi đã đầu tư nhiều tâm huyết và công sức”. Ông quyết định tiếp tục kiên trì, dành nhiều thời gian học hỏi thêm kỹ thuật, bón phân, tưới nước, tỉa cành và tìm hiểu, nghiên cứu về sâu bệnh hại, cách phòng trừ.
Niềm tin và sự kiên trì đã được đền đáp xứng đáng khi sang năm thứ 7, mắc ca của gia đình bắt đầu ra hoa và cho những chùm quả bói đầu tiên. Đến năm thứ 8, gia đình ông đã thu hoạch được hơn 400 kg mắc ca tươi. Năng suất, chất lượng dần đi vào ổn định, ông Trường bắt đầu giải “bài toán” đầu ra. Sản lượng ít, giá mắc ca tươi rẻ, thị trường tiêu thụ hạn hẹp là những vấn đề khiến ông trăn trở. Thời gian này, ông lặn lội vào TP Hồ Chí Minh tìm kiếm thị trường. “Lần đầu tiên, tôi bán được 120 kg hạt tươi cho các nguồn tiêu thụ tự do. Sau đó, tôi tiếp tục tìm kiếm mối bán cho các thương lái, trạm dừng chân trên Quốc lộ 20”, ông Trường nhớ lại.
• NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM, CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ
Không để hành trình đi cùng mắc ca dậm chân tại chỗ, càng không muốn để các nông hộ lao đao vì giá cả bấp bênh, ông quyết định đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Liên kết mắc ca Di Linh vào năm 2018. Ông Trường cho biết, HTX ra đời với mục tiêu tạo liên kết thu mua, chế biến và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm mắc ca của nông dân. Với số vốn huy động hơn 1 tỷ đồng, HTX đầu tư trang bị máy móc hiện đại, chế biến mắc ca thành các sản phẩm chất lượng cao như: hạt mắc ca sấy, tinh dầu mắc ca, ngũ cốc mắc ca… Nhờ đó, giá trị sản phẩm được nâng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Đến nay, HTX có 33 thành viên với tổng diện tích 85 ha, sản xuất theo quy trình VietGAP; sản lượng hàng năm đạt trên dưới 100 tấn.
Để tạo dựng uy tín và đưa thương hiệu Macadamia - mắc ca Di Linh đến gần hơn với khách hàng, ông Trường tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trên khắp các tỉnh, thành trong nước. Nhãn mác sản phẩm được tích hợp mã QR, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng. “Đây là cơ hội để HTX tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, quảng bá thương hiệu và thu hút khách hàng tiềm năng”, ông nói. Cùng với đó, HTX Mắc ca Di Linh còn xây dựng website riêng để giới thiệu với khách hàng thông tin sản phẩm, quy trình sản xuất, giá cả… và dễ dàng đặt mua. Nhờ chiến lược tiếp thị hiệu quả, sản phẩm của HTX đã tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Doanh thu của HTX tăng trưởng đều đặn qua các năm, đời sống của nông dân được cải thiện rõ rệt.
Nhận thức rõ tiềm năng của mắc ca Di Linh, ông Trường cùng ban lãnh đạo HTX đặt mục tiêu đưa sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế. Để biến tham vọng thành hiện thực, HTX tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn thực phẩm. Lấy yêu cầu chất lượng làm kim chỉ nam, HTX đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP; đồng thời, chú trọng kiểm tra chất lượng từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm. Năm 2019, HTX Mắc ca Di Linh xuất khẩu thành công lô hàng 10 tấn mắc ca sấy đầu tiên sang Hàn Quốc. Đây là bước tiến quan trọng, mở ra cánh cửa cho trái mắc ca Di Linh vươn ra thị trường quốc tế. Hiện nay, sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều quốc gia như Đài Loan, Trung Quốc, Nga, Ukraina.
Nhờ chiến lược phát triển rõ ràng, HTX Mắc ca Di Linh đã và đang tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. HTX nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm) vào sản xuất. Việc đạt chứng nhận HACCP sẽ giúp sản phẩm của HTX tăng khả năng cạnh tranh; giảm chi phí do giảm sản phẩm hỏng và phải thu hồi; cải tiến năng lực quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cơ hội kinh doanh và xuất, nhập khẩu thực phẩm.
Hành trình đưa mắc ca Di Linh xuất ngoại của ông Lê Văn Trường là minh chứng cho tinh thần dám nghĩ dám làm, dám dấn thân của người CCB. Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của ông và HTX Mắc ca Di Linh, “nữ hoàng hạt dinh dưỡng” của Di Linh nói riêng và Việt Nam nói chung đang dần chinh phục thị trường quốc tế, mang lại lợi ích cho người nông dân và góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin