(LĐ online) - Do nắng hạn kéo dài, dẫn đến mực nước trên các sông suối, thấp hơn trung bình nhiều năm, các nhánh suối hầu hết đã khô cạn; mực nước ngầm tại các giếng khơi, giếng khoan đều xuống rất thấp. Điều đó đã khiến hơn 10.000 ha cây trồng của người dân (chủ yếu là cà phê) của người dân lâm vào cảnh thiếu nước, tập trung tại các xã Tam Bố, Gia Hiệp, Đinh Lạc, Gia Bắc, Sơn Điền... Trong đó, có khoảng 600 ha cà phê có hiện tượng cháy, rụng lá do liếu nước lâu ngày.
Nắng hạn đã khiến 12 công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Di Linh xuống ở mực nước chết |
Hiện nay, toàn huyện Di Linh có 53 công trình hồ, đập dâng phục vụ nước tưới sản xuất nông nghiệp và hàng ngàn ao hồ nhỏ do người dân tự đào. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài và nhu cầu tưới nước cho cây trồng tăng cao, nên mực nước các công trình hồ, đập đã xuống rất thấp, nhiều công trình đã cạn khô hoàn toàn. Trong khi đó, hầu hết ao hồ nhỏ trên địa bàn đã cạn khô từ lâu không còn nước.
Đến thời điểm hiện tại dung tích các hồ chứa do Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng quản lý (cấp tỉnh) có dung tích trữ tốt, đạt trung bình 60%, mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường trung bình 2 – 3 mét, về cơ bản sẽ đảm bảo nhiệm vụ cấp nước tưới theo kế hoạch, nhiệm vụ công trình.
Đối với các hồ chứa, đập dâng còn lại đều có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1 đến 5 mét, dung tích trữ còn lại đạt trung bình 30%. Hiện tại, Di Linh đã có 12 hồ ở mực nước chết, 6 đập dâng hết nước, các hồ còn lại đa số đã xuống mực nước rất thấp.
Nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tuy xảy ra thiếu nước cục bộ ở một số địa phương, song về cơ bản vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Tuy nhiên nếu nắng hạn tiếp túc kéo dài nguy cơ thiếu nước sinh hoạt tại nhiều địa phương là rất cao.
Toàn huyện Di Linh đang có hơn 10.000 ha cây trồng của người dân thiếu nước do nắng hạn |
Để đối phó với hạn hán, UBND huyện Di Linh đang chỉ đạo các ngành chức năng, xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, mực nước tại các công trình hồ đập kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền để chỉ đạo kịp thời các giải pháp ứng phó theo quy định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước trong thời gian tới.
Chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy lợi, phát huy tối đa hiệu quả của công trình hồ Ka la; chủ động, linh hoạt tăng lưu lượng xả nước trong từng thời điểm, thời gian và ưu tiên số 1 cho các địa phương xa công trình; nguồn nước từ công trình phải đảm bảo sử dụng triệt để, tiết kiệm, tránh thất thoát, đồng thời cung cấp nguồn nước nhanh nhất, sớm nhất, kịp thời nhất, hiệu quả nhất đến các địa phương vùng hạ du; phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước, dòng chảy, kênh mương từ đầu nguồn đến vùng hạ du; kịp thời phát hiện và có phương án xử lý chống thất thoát, lãng phí nguồn nước.
Chỉ đạo Trung tâm Nông nghiệp hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp tưới nước tiết kiệm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang cây trồng ít dùng nước, chuyển đổi lịch thời vụ diện tích lúa phù hợp. Tăng cường hỗ trợ, phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước, rà soát, lập kế hoạch đăng ký nhu cầu đào ao, hồ nhỏ, tưới nước tiết kiệm, tiếp tục cho rà soát, bổ sung kế hoạch hỗ trợ phát triển năm 2024.
Kính đề nghị UBND tỉnh, các sở ngành của tỉnh quan tâm phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ cho huyện Di Linh, thực hiện đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nạo vét một số công trình thủy lợi cấp bách phục vụ chống hạn năm 2024 và các năm tiếp theo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin