Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng có chủ trương về việc khuyến khích nghề nuôi yến toàn tỉnh, trong đó ưu tiên phát triển đại trà ở xã Đại Lào, TP Bảo Lộc.
Ông Đinh Văn Phòng kiểm tra tổ yến vừa thu hoạch |
Xã Đại Lào tọa lạc ở đầu đèo Bảo Lộc với diện tích 62,2 km vuông, được thành lập năm 1999. Đây là nơi cư dân nơi khác đến định cư thưa thớt, tiếp giáp giữa cao nguyên B’Lao với các vùng khí hậu nóng ẩm của đồng bằng như Đạ Huoai, Đạ Tẻh (Lâm Đồng) và các nơi gần biển như Tánh Linh, Hàm Tân, La Gi (Bình Thuận), rất thích hợp cho việc phát triển nghề nuôi yến với quy mô lớn. Trong vài năm nay, tại xã đã có hơn 100 hộ tự phát nuôi riêng lẻ, đến năm 2015, Đại Lào mới phát triển làng nuôi yến chuyên nghiệp.
Chúng tôi đến thăm tư gia chuyên nghề nuôi yến trên 20 năm của anh Đinh Văn Phòng tại Thôn 9, xã Đại Lào. Ông Phòng 66 tuổi là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, là dân gốc Thái Bình định cư tại đầu đèo từ năm 1988 nhưng bắt đầu vào nghề nuôi yến năm 2002. Sau khi được dẫn đi thăm cơ sở nuôi yến của gia đình, ông Phòng mời chúng tôi vào bàn trà ngoài hiên cạnh ao cá, trên cao là dàn hoa phong lan đầy ắp hoa rũ xuống, biểu hiện mức sống khá giả yên bình của một gia đình nông thôn. Pha bình trà xanh, ông nhỏ nhẹ tâm sự như nhớ một thời xa vắng: “Nghề nuôi yến của tôi như là nhân duyên. Năm 2002, đến thăm một người bà con cùng quê định cư ở vùng ven Sài Gòn chuyên sống bằng nghề nuôi yến, lúc ấy, tôi đắm đuối nhìn đàn yến bay lượn cộng với tiếng kêu bằng âm thanh điện tử của chim yến như một ước vọng, nên có ý định xin học nghề về Bảo Lộc thực hiện. Là bà con trong nhà nên người anh em hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng. Lúc về Đại Lào bàn với gia đình lấy một căn gác của các cháu đang học nuôi thử. Lúc đầu chỉ mới 3 cặp, dần dần phát triển lên vài trăm cặp. Thực tình, Đại Lào nơi có địa thế nước và thổ nhưỡng thuận lợi rất thích hợp cho loại chim này nên phát triển rất tốt”. Ông chép miệng từ trong tâm thức: “Theo các nhà động vật học, chim yến sống trong vùng nóng ẩm, chúng có thể bay suốt ngày khoảng 12 đến 14 tiếng đồng hồ (chim chỉ đậu khi đã về tổ). Mỗi ngày chúng bay khoảng 200 km, thức ăn chính là những loại côn trùng bay trong không trung như ruồi, kiến, mối, rầy nâu, rầy xanh. Vòng đời con chim yến khoảng 8 năm, mỗi năm đẻ từ hai đến 3 lứa có nghĩa là làm tổ trên 2 lần và đã làm tổ ở đâu chúng không bao giờ bỏ đi nơi khác. Đại Lào và các vùng phụ cận dưới đèo là vùng đất chưa bị ô nhiễm nặng, có nhiều hồ nước và các loại côn trùng thiên nhiên. Đặc điểm loại chim này mình không phải đầu tư cho ăn uống vì chúng tự đi tìm. Cũng như nghề nuôi ong lấy mật, mỗi lần thu hoạch mình chỉ lấy đi 2/3 tổ còn chừa lại để chúng nó tự duy trì phát triển”.
Ông mang ra một thau yến đã thu hoạch cho chúng tôi xem và giải thích thêm: “Đây là tổ vừa thu hoạch nuôi trong nhà bình thường chứ không phải bằng công nghệ nhà lồng kính như Malaysia hay Indonesia nên giá thành cao hơn. Giá hiện nay 1 kg là 20 triệu, gia đình tôi chuyên bán tổ yến thô cho các đại lý lớn ở Hà Nội và Sài Gòn, những nơi ấy thu mua số lượng lớn nên không đủ bán cho họ. Nhà tôi có 8 sào cà phê nhưng mình phải đầu tư nhiều và lao động cực nhọc mới có thể thu hoạch tốt, còn nghề yến không phải đầu tư lớn nhưng lợi tức cao hơn. Chủ trương của tỉnh mình ưu tiên phát triển nghề yến ở Đại Lào là kế hoạch đúng đắn. Như ông thấy, mấy chục năm qua, dân Đại Lào đi lên từ trà, cà phê, sau đó một số chuyên trồng cỏ voi chuyển sang nghề nuôi bò sữa và bây giờ thêm nghề nuôi yến. Ông tính thử đi, 100 hộ nuôi yến, trung bình mỗi năm được 30 kg, mỗi kg 20 triệu có thêm của ăn của để. Dọc con đường B’Lao S'rê nơi ông vừa đi qua khá nhiều biệt thự mới nổi lên từ mảnh đất hoang, tất cả những người trở nên giàu có từ trà, cà phê, nuôi bò sữa và yến mới phát. Đa số trong họ đều đi lên từ sự quyết tâm thoát nghèo ở nơi mới trộn lẫn mồ hôi nước mắt đó ông!”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin