Mở rộng không gian đô thị là chìa khóa để phát triển bền vững

NGUYỄN NGHĨA 04:26, 17/05/2024

Đà Lạt, thành phố ngàn hoa, từ lâu đã được mệnh danh là một viên ngọc quý của Việt Nam, sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên, khí hậu ôn hòa và những công trình kiến trúc độc đáo. Nơi đây không chỉ thu hút du khách bởi cảnh quan thơ mộng mà còn bởi tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế to lớn. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong thời gian gần đây cũng đặt ra những thách thức cho Đà Lạt trong việc bảo tồn giá trị di sản và hướng tới phát triển bền vững.

Một góc đô thị Đà Lạt
Một góc đô thị Đà Lạt

NHỮNG THÁCH THỨC

Năm 2009, Đà Lạt được công nhận là thành phố loại I, với dân số đạt mức hơn 200 ngàn người, đến năm 2016, dân số lên gần 224 ngàn người và năm 2022 là 237,5 ngàn người. Hiện nay, Đà Lạt có diện tích là hơn 391 km2, dân số (năm 2023) là gần 260.000 người.

Trong những năm gần đây, thực hiện các nghị quyết, quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng, Quy hoạch chung TP Đà Lạt và các quy hoạch chuyên ngành được các cấp Trung ương chỉ đạo và phê duyệt, cùng với các nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, quá trình đô thị hóa TP Đà Lạt diễn ra với tốc độ khá nhanh, tác động lớn đến sự phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch - dịch vụ tiên tiến, hiện đại, công nghiệp chế biến... Kinh tế - xã hội được phát triển cả trong thành phố hiện hữu và vùng phụ cận cùng với mạng lưới các đô thị vệ tinh. Song song đó, quá trình phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng được đầu tư khởi sắc, không gian đô thị bước đầu được mở rộng...

Tuy nhiên, Đà Lạt hiện đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Trong quá trình đô thị hóa, với áp lực về sử dụng đất, nhu cầu nhà ở và cơ sở hạ tầng tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải. Nhiều rừng thông trong đô thị đã bị thu hẹp, nhiều khu vực bị bê tông hóa, làm mất đi một phần ưu thế của thành phố, gây áp lực lên môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Việc xây dựng ồ ạt các công trình cao nhà ống, nhà cao tầng và hiện đại cũng đã phần nào làm mất đi vẻ đẹp đặc trưng của Đà Lạt, vốn nổi tiếng với những biệt thự cổ kính và khung cảnh thiên nhiên xanh mát. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa cũng dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội tiếp cận các dịch vụ thiết yếu giữa các tầng lớp cư dân.

Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện việc sáp nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt. Nếu việc sáp nhập này được thực hiện, diện tích tự nhiên của TP Đà Lạt sẽ rộng 1.705 km2, gấp 4,3 lần hiện tại.

MỞ RỘNG RANH GIỚI ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 của nước ta thì “phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”.

Như vậy, để giải quyết những thách thức hiện tại và hướng tới phát triển bền vững, đô thị Đà Lạt cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó mở rộng ranh giới đô thị là một trong những giải pháp đóng vai trò quan trọng. Việc mở rộng ranh giới sẽ giúp giảm áp lực lên khu vực trung tâm bằng cách di dời một số hoạt động kinh tế, dịch vụ và dân cư ra các khu vực mới sẽ giúp giảm tải cho khu vực trung tâm, từ đó bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị. Việc mở rộng ranh giới cũng sẽ tạo ra quỹ đất mới cho các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị và cũng giúp bảo vệ các khu vực có giá trị di sản, văn hóa và lịch sử, gìn giữ bản sắc vốn có của Đà Lạt.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia khoa học, việc mở rộng ranh giới đô thị cho Đà Lạt cũng cần được thực hiện một cách cẩn trọng và khoa học. Quá trình mở rộng không gian đô thị, các chuyên gia cũng lưu ý cần phải nghiên cứu mở rộng không gian đô thị theo nguyên tắc phát triển hài hòa, thân thiện giữa các mặt kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; khai thác có hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các di sản tự nhiên, nhân văn, kiến trúc mang thương hiệu Đà Lạt. Đồng thời, xác định đúng vị trí của thành phố trong mối quan hệ vùng tỉnh, vùng Tây Nguyên và các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đi trước một bước để có thể phát triển hài hòa, đồng bộ, cân bằng; nghiên cứu tổng thể hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.

Cụ thể, theo Tiến sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Bích: “Cần bảo vệ và phát huy 3 giá trị cốt lõi gồm bảo vệ vi khí hậu trong khu đô thị hiện hữu và vùng phụ cận, tránh tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu; bảo vệ cảnh quan đặc trưng mang thương hiệu Đà Lạt như rừng thông trên các sườn đồi, cây xanh xen kẽ với các công trình kiến trúc; giữ gìn và tái tạo cảnh quan “rừng trong phố và phố trong rừng”; nhất thiết phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy, tránh bị xâm hại quỹ di sản công trình kiến trúc lâu đời có giá trị cao. Vì đó cũng là một đặc thù mang tính thương hiệu Đà Lạt”.