Chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông

CHÍNH THÀNH 05:59, 11/07/2024

Hướng đến một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại, những năm qua, Lâm Đồng đang tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp. Trong đó, chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông được nhận định là cấp thiết.

Người dân Lâm Đồng áp dụng ứng dụng kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp
Người dân Lâm Đồng áp dụng ứng dụng kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp

Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, tới hết năm 2023, đơn vị đã xây dựng được 27/96 mô hình khuyến nông, trong đó có 18 mô hình trồng trọt, 3 mô hình chăn nuôi - thủy sản, 4 mô hình cơ giới hóa, 2 mô hình ứng dụng và nhân rộng đề tài nghiên cứu khoa học. Mô hình xây dựng với 88 hộ, 3 hợp tác xã tham gia có quy mô diện tích canh tác 57,42 ha, 20 con bò thịt... Theo kế hoạch, năm 2024 thực hiện 9 mô hình và dự kiến kế hoạch 2025 thực hiện 14 mô hình.

Các mô hình được triển khai có ứng dụng chuyển đổi số trong các khâu sản xuất tiêu biểu như: Áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao trong sản xuất hoa chất lượng cao; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn gắn với liên kết sản xuất, chế biến và thị trường; Sản xuất chè, cà phê chất lượng cao và an toàn sinh học, thâm canh và xen canh cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh phục vụ chế biến và xuất khẩu... Nhiều mô hình khuyến nông đều áp dụng các ứng dụng tưới tiêu, bón phân tự động dựa trên hệ thống điều khiển IoT, kết hợp với thuật toán AI để tính toán, điều chỉnh lượng nước, phân bón cần thiết cho từng đối tượng cây trồng; xây dựng hệ thống camera giám sát và phân tích ảnh thông minh dựa trên AI để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tật trên cây trồng...

Theo đánh giá, những mô hình nêu trên cùng việc củng cố và phát huy vai trò của các kênh thông tin khuyến nông truyền thống như (bản tin khuyến nông; website khuyến nông; khuyến nông thông qua báo, đài...); xây dựng các kênh thông tin mới như khuyến nông qua nhóm zalo, facebook; duy trì công tác tổ chức sự kiện khuyến nông (hội nghị, hội thảo, hội thi, hội chợ, diễn đàn, tọa đàm...) đã góp phần thúc đẩy tính kết nối chia sẻ thông tin đối với khuyến nông cơ sở, đóng góp hiệu quả cho chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp.

Trong công tác đào tạo, tập huấn, 3 năm qua (2021 - 2023), Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 54 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân tại các huyện, thành phố; nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khuyến nông cơ sở (người thực hiện dịch vụ trồng trọt và bảo vệ thực vật tại các xã)..., thu hút 1.962 lượt người tham dự. Đến nay, công tác đào tạo, tập huấn đã tác động đến người nông dân, giúp họ thay đổi tập quán canh tác, kịp thời tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, đưa các giống mới vào sản xuất, giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Thống kê 6 tháng đầu năm 2024, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt 68.380 ha, tăng 1.507 ha so với cuối năm 2023. Trong đó, rau các loại 26.386 ha, hoa 3.194 ha, chè 3.559 ha, cà phê 20.404 ha, lúa chất lượng cao 5.045 ha, cây ăn quả 9.225 ha, cây dược liệu 167 ha, sản xuất nấm 20 ha và các cây trồng khác (vườn ươm, dâu tây, phúc bồn tử...) 380 ha; diện tích ứng dụng nông nghiệp thông minh đạt khoảng 650 ha (đạt 92,9% kế hoạch). Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng trung bình những năm qua đạt tốc độ tăng trưởng 4,8% (tương ứng với tổng giá trị gần 19.000 tỷ đồng), giá trị sản xuất bình quân đạt 201 triệu đồng/ha.

Trong việc áp dụng công nghệ 4.0, đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 26 doanh nghiệp tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT, công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử, công nghệ đèn LED; 13 doanh nghiệp được công nhận là “Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”; 90 hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; hình thành 182 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với sự phát triển không ngừng của ngành Nông nghiệp, hệ thống khuyến nông tỉnh đã không ngừng được củng cố và trở thành cầu nối trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. 

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện mục tiêu chung là tập trung xây dựng mô hình và phát triển quy mô lớn theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, môi trường và sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, huy động, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, xã hội hóa công tác khuyến nông, đáp ứng được Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong đó, công tác chuyển đổi số thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được đẩy mạnh để đổi mới các hình thức khuyến nông, phát triển hệ thống khuyến nông điện tử. Bên cạnh khuyến nông trực tiếp, dần chuyển dịch sang khuyến nông trực tuyến. Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực khuyến nông đáp ứng theo chiến lược chuyển đổi số của Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Qua đó, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp thông minh; nâng cao năng suất và hiệu quả lao động; nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp bền vững; tăng cường liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị...