Từ xưa, người dân Đam Rông xem cà phê, lúa nước là cây trồng chủ lực giúp người dân thoát cái nghèo, cái đói. Nhưng ít năm trở lại đây, cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, những người nông dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực chuyển đổi, học tập kinh nghiệm để phát triển nông nghiệp toàn diện.
Mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà kính, vườn ớt chuông của gia đình chị Tuyết cho thu nhập ổn định qua từng năm |
• TỪ NHỮNG MÔ HÌNH CỤ THỂ
Về Đạ R’sal những ngày này, người dân địa phương đang tất bật cho vụ mùa sầu riêng. Trên những gương mặt thấm đẫm mồ hôi, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi bởi sầu riêng năm nay đạt cả về chất lượng và sản lượng.
Chuẩn bị vào mùa vụ thu bói với dự kiến đạt 100 tấn sầu riêng trên diện tích 5 ha, anh Nguyễn Thanh Tùng (thôn Đắk Măng) chia sẻ: “Ngoài việc đầu tư hệ thống tưới tự động nhằm tiết kiệm thời gian, nhân công, để sầu riêng đạt chất lượng, tôi dùng phương pháp ủ phân, sử dụng hệ vi sinh để cải tạo nền đất; qua đó tăng độ pH trong đất. Việc thực hiện ngay ban đầu này sẽ tạo ra chất dinh dưỡng cho cây, bên cạnh đó sẽ tạo ra chất đối kháng nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Bởi sầu riêng là loại cây khó tính, bản thân những người trồng cần nắm được kỹ thuật chăm sóc cũng như xử lý khi cây có biểu hiện sâu bệnh. Sầu riêng có ngon hay không, quan trọng nhất vẫn là quá trình chăm bẵm kỹ lưỡng”. Với 2.000 cây đang được trồng trên diện tích 10 ha, hiện vườn có 1.000 cây đã cho thu sau 5 năm trồng và chăm sóc. “Đây là năm đầu tiên thu bói của vườn. Dự kiến trung bình mỗi cây cho thu 1 tạ với giá bán tại vườn là 60.000 đồng đến 80.000 đồng/kg, tùy vào giá cả của thị trường”, anh Tùng cho hay.
Không chỉ mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn trái, ở thôn Thanh Bình (xã Phi Liêng), hàng chục hộ dân mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà kính, nhà lưới để trồng rau, hoa công nghệ cao. Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết là một trong các hộ tiên phong trồng 2 sào nhà kính với hơn 7.500 cây ớt chuông đang sinh trưởng ổn định và đạt chất lượng. Chị Tuyết cho biết, mảnh đất này ngày xưa gia đình trồng cà phê. Sau này, khi được biết đến trồng ớt chuông cho hiệu quả, vợ chồng vay mượn để khởi nghiệp với mô hình hoàn toàn mới tại địa phương. “So với trồng cà phê, một năm chỉ thu hoạch được một lần, giá cả bấp bênh thì trồng ớt chuông lại cho thu hoạch nhanh, ổn định. Mặc dù kinh phí ban đầu bỏ ra khá lớn, song về sau, mô hình này giúp tôi tiết kiệm được nhiều loại chi phí phát sinh. Đặc biệt, loại nông sản này được người dân ưa chuộng và có đầu ra nên tôi tự tin hơn trong việc đầu tư”, chị Tuyết nói. Với cách thức làm bài bản, có đầu ra ổn định, riêng trong năm 2023, vườn ớt chuông thu về 30 tấn ớt có giá bán 20.000 đồng/kg, được thương lái ở Đức Trọng, Đơn Dương thu mua tại vườn. Chị Tuyết cho biết thêm, ngoài diện tích ớt chuông, hiện gia đình đang chuẩn bị xuống giống cà chua trồng ngoài trời với hơn 2 sào, qua đó nhằm tăng thêm thu nhập trong gia đình.
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết: Ngoài trồng cây ăn trái, làm rau, hoa công nghệ cao, Đam Rông những năm trở lại đây được biết đến là xứ “tằm tang” bởi từ cây dâu, con tằm, nhiều bà con đã thoát nghèo và có mức thu nhập ổn định. Để ngày càng nâng cao giá trị các mặt hàng của địa phương, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đó, vận động bà còn Nhân dân tích cực thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác và đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết vững bền giữa doanh nghiệp và nông dân từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm...”.
Đam Rông khởi sắc |
• ĐẾN NHỮNG CON SỐ "BIẾT NÓI"
Ông Trương Hữu Đồng - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông khẳng định: Trong thời gian qua, Huyện ủy Đam Rông đã ban hành Chương trình hành động số 63 về thực hiện Nghị quyết số 21 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn huyện Đam Rông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, ngành Nông nghiệp của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây trồng chủ lực và hình thành vùng chuyên canh với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Từ đó, người dân đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...
Giai đoạn 2021-2024, toàn huyện có 15 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản với 26 hợp tác xã và 18 tổ hợp tác. Đến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao đạt 1.099,3 ha (tăng thêm 609,3 ha, tương ứng tăng 2,2 lần so với năm 2021); cây dâu tằm đạt 824,2 ha; cây sầu riêng có diện tích là 2.817 ha (diện tích cho sản phẩm là1.069 ha); mắc ca là 1.642,5 ha...
Giữa những mảnh vườn cà phê xanh ngát, từng vạt dâu tằm, cây ăn trái, rau, hoa công nghệ cao đang được hình thành và phát triển đã dần phác họa nên bức tranh nông nghiệp mới mẻ, đa dạng trên vùng đất Đam Rông. |
Thực hiện cơ cấu ngành Nông nghiệp tại 3 tiểu vùng bước đầu đang mang lại hiệu quả. Cụ thể, tại tiểu vùng 1 gồm xã Phi Liêng và Đạ K’nàng, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 98,9 ha, chủ yếu trồng rau, hoa trong nhà kính và nhà lưới. Tại tiểu vùng 2 gồm xã Rô Men, Liêng S’rônh và Đạ R’sal có diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 945,4 ha; tiểu vùng 3 gồm khu vực 3 xã Đầm Ròn với diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 56,9. Đối với 2 tiểu vùng này, người dân chủ yếu trồng sầu riêng, nuôi cá nước lạnh và cây trồng khác.
Trong chăn nuôi, thủy sản tiếp tục phát triển với tổng diện tích 175 ha; trong đó diện tích nuôi cá nước lạnh trên 14,3 ha. Đặc biệt, với diện tích trồng dâu, nuôi tằm ngày càng mở rộng, huyện Đam Rông đã thành lập nhà máy ươm tơ đầu tiên trên địa bàn. Bên cạnh đó, du lịch của huyện đã có những bước phát triển, cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ và đang hình thành một số tour, tuyến, sản phẩm du lịch dọc Tỉnh lộ 722, 724 và khu vực Phi Liêng...
“Địa phương xác định nông nghiệp là thế mạnh trong phát triển kinh tế, với mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những vùng chuyên canh sản phẩm nông nghiệp đa dạng. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để người dân học tập. Đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn phù hợp giúp người dân nâng cao được thu nhập, qua đó tạo sự bứt phá trong phát triển nông nghiệp toàn diện”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khẳng định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin