UBND huyện Đam Rông vừa ban hành Kế hoạch phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn huyện đạt trên 1.000 ha, năng suất lá dâu đạt trên 25 tấn/ha; trong đó diện tích trồng dâu, nuôi tằm ở khu vực 3 xã Đầm Ròn (xã Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’rông) trên 310 ha. Có trên 1.800 hộ nuôi thường xuyên, trong đó hộ đồng bào DTTS nuôi tằm thường xuyên trên 800 hộ. Tiếp tục xây dựng và hình thành thêm ít nhất 1 liên kết/xã về tổ chức sản xuất dâu, nuôi tằm gắn với tiêu thụ kén tằm, ươm tơ. Phấn đấu sản lượng kén tằm đạt trên 1.600 tấn/năm. Hình thành 1 làng nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn với ươm tơ.
Đến năm 2030, diện tích trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn huyện sẽ đạt trên 1.350 ha, năng suất lá dâu đạt trên 27 tấn/ha; trong đó diện tích trồng dâu, nuôi tằm ở khu vực 3 xã Đầm Ròn phát triển trên 493 ha. Có trên 2.500 hộ nuôi tằm thường xuyên, trong đó hộ đồng bào DTTS nuôi tằm thường xuyên trên 1.000 hộ; toàn huyện có 5 - 7 liên kết sản xuất, giá trị về tổ chức sản xuất dâu, nuôi tằm gắn với tiêu thụ kén tằm, ươm tơ. Phấn đấu sản lượng kén tằm đạt trên 2.200 tấn/năm. Hình thành 2 làng nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn với ươm tơ.
Để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích đất phù sa, đất bãi bồi ven sông, suối trồng bắp, diện tích đất trồng lúa một vụ… sang trồng dâu, nuôi tằm để mở rộng vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định, sản xuất hiệu quả, bền vững; huyện Đam Rông còn xây dựng cơ sở nuôi tằm con tập trung công nghệ cao và xây dựng nhân rộng mô hình tự động, cơ giới hóa trồng dâu, nuôi tằm; Xây dựng, mở rộng liên kết, chuỗi giá trị tổ chức sản xuất, nuôi tằm, tiêu thụ, chế biến sản phẩm kén tằm và đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin