Di Linh: Phát triển sầu riêng theo hướng bền vững

VIỆT QUỲNH 05:42, 16/09/2024

Hiện, toàn huyện Di Linh có hơn 6.000 ha trồng sầu riêng. Với giá trị kinh tế cao, huyện đang xây dựng kế hoạch phát triển ngành hàng sầu riêng theo hướng sản xuất bền vững. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm sầu riêng; gắn sản xuất với các khâu sơ chế, chế biến và kết nối bền vững tiêu thụ sản phẩm.

Cây sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân huyện Di Linh trong những năm gần đây
Cây sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân huyện Di Linh trong những năm gần đây

DIỆN TÍCH SẦU RIÊNG TĂNG NHANH

Đến nay, tổng diện tích trồng sầu riêng toàn huyện Di Linh là 6.090,2 ha; tăng 5.640 ha so với năm 2010; tăng 4.157,8 ha so với năm 2020. Trong đó, diện tích trồng xen là 5.061,6 ha và diện tích trồng thuần là 1.028,6 ha.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Di Linh, thực tế cho thấy cây sầu riêng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Do đó, cây sầu riêng đã được trồng trên địa bàn 19/19 xã, thị trấn của toàn huyện, trong đó nhiều nhất là ở 3 xã gồm: Hòa Nam, Liên Đầm và Đinh Trang Hòa. Các giống phổ biến được trồng gồm Monthong, Ri6, Musangking, Út thủy, Chín hóa, giống sầu riêng hạt,... Với những ưu điểm như thịt ráo, tỷ lệ hạt lép và cơm cao, thời gian bảo quản dài hơn các giống khác, giống Monthong chiếm tỷ trọng lớn nhất, với trên 73% diện tích sầu riêng của huyện.

Đến tháng 7/2024, trên địa bàn huyện có khoảng 2.600 ha sầu riêng cho thu hoạch; năng suất bình quân đạt 135 tạ/ha. Sản lượng khoảng 35.000 tấn quả. Thời gian thu hoạch sầu riêng tại Di Linh dao động từ ngày 15/6 - 15/11 hàng năm. Mùa vụ thu hoạch sầu riêng của huyện không trùng với mùa vụ thu hoạch của các địa phương trong tỉnh và các tỉnh khác, tạo nên lợi thế cạnh tranh về giá cho sản phẩm của địa phương. Trên địa bàn huyện có 9 hợp tác xã, 33 tổ hợp tác, 1 trang trại và 1 doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực trồng trọt sầu riêng; có trên 65 doanh nghiệp, tổ chức, điểm thu mua sầu riêng, với 16 tổ chức, doanh nghiệp và 49 cá nhân, đại lý, cơ sở, vựa thu mua.

Phần lớn sầu riêng sản xuất tại huyện Di Linh cung cấp cho thị trường nguyên quả tươi, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, sản phẩm sầu riêng đang có xu hướng được các hộ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện chuyển sang chế biến dạng bóc múi và cấp đông.

Hiện nay, huyện Di Linh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Sầu riêng Di Linh”. Toàn huyện Di Linh đã được cấp 15 mã vùng trồng sầu riêng, gồm 1 mã chung được cấp năm 2022 và 14 mã riêng được cấp vào năm 2023, với diện tích 624,82 ha, sản lượng đăng ký khoảng 19.019 tấn. Có 4 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp mã với tổng diện tích nhà xưởng 4.269 m2.

Ông Vũ Hồng Long - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Di Linh cho biết, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện đã khuyến cáo người dân thực hiện trồng, chăm sóc, thu hoạch sầu riêng theo quy trình của Bộ NN& PTNT, cũng như Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng,... Đảm bảo mật độ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng các loại giống có trong danh mục của Bộ NN& PTNT. Đồng thời chuyển dần từ phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP,...

• ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG GẮN VỚI PHÁT TRIỂN SỐ LƯỢNG

Theo ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, xác định cây sầu riêng là cây có giá trị kinh tế cao, địa phương định hướng đến năm 2030, tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện đạt khoảng 6.500 ha, sản lượng trên 100.000 tấn (tăng 65.000 tấn so với năm 2024). Phát triển nhanh các vùng sản xuất an toàn được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,... được cấp mã số vùng trồng; áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản sản phẩm. Tập trung ở các xã Hoà Nam, Đinh Trang Hoà, Hoà Bắc, Hoà Trung, Liên Đầm, Đinh Lạc, Tân Thượng, Tân Lâm, Đinh Trang Thượng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh canh tác giống sầu riêng phù hợp là Monthong và sử dụng giống mới chất lượng, rải vụ thu hoạch, thuận lợi cho tiêu thụ. Áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật thâm canh như tưới nước tiết kiệm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa. Gắn phát triển vùng sản xuất tập trung với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm.

Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng cây sầu riêng. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng vùng sản xuất chuyên canh nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu đủ lớn, chất lượng tốt để làm cơ sở thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường chế biến, đa dạng hoá các sản phẩm, đặc biệt chế biến sâu gia tăng giá trị; gắn với phát triển, nâng cao thương hiệu “Sầu riêng Di Linh”.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư để sớm hình thành các nhà máy sơ chế, chế biến sầu riêng; đặc biệt là các nhà máy chế biến sầu riêng đông lạnh đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Để đạt được những mục tiêu này, trong thời gian tới, huyện Di Linh xác định tổ chức sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu liên kết tập trung, ổn định lâu dài; cấp và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu; thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả... Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân sản xuất đảm bảo theo kế hoạch và không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng. Thay vì tăng diện tích, sản lượng, cần tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng của trái sầu riêng...