Dòng sữa no ấm

07:01, 01/01/2020

Dòng sữa ấy không chỉ dừng trên miền đất nổi tiếng chăn nuôi bò sữa Phi Vàng (Đơn Dương) mà nay đã chảy ra cả cao nguyên Di Linh, vùng kinh tế mới Lâm Hà và không chỉ giúp người dân giảm nghèo mà còn cho thu nhập ổn định mang lại cuộc sống ấm no. 

Dòng sữa ấy không chỉ dừng trên miền đất nổi tiếng chăn nuôi bò sữa Phi Vàng (Đơn Dương) mà nay đã chảy ra cả cao nguyên Di Linh, vùng kinh tế mới Lâm Hà và không chỉ giúp người dân giảm nghèo mà còn cho thu nhập ổn định mang lại cuộc sống ấm no. 
 
Lâm Đồng là tỉnh đứng đầu khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ về tổng đàn bò và sản lượng sữa. Hiện nay, các hộ nông dân đã chú trọng đầu tư, phát triển đàn bò sữa chất lượng cao. Đây là hướng đi đúng không chỉ giúp người dân giảm nghèo mà còn cho thu nhập ổn định.
 
Ông Nguyễn Hữu Tuấn với quy mô phát triển đàn bò sữa lớn được đầu tư bài bản, “đúng chuẩn” công nghệ cao. Ảnh: H.Yên
Ông Nguyễn Hữu Tuấn với quy mô phát triển đàn bò sữa lớn được đầu tư bài bản, “đúng chuẩn” công nghệ cao. Ảnh: H.Yên
 
Đầu ra ổn định, phát triển bền vững
 
So với các địa phương khác, chăn nuôi bò sữa ở huyện Di Linh xuất hiện muộn hơn trên “bản đồ” bò sữa ở vùng đất Nam Tây Nguyên. Ông Lê Quốc Hải, thành viên Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bò sữa xã Đinh Lạc cho biết: Ông được UBND huyện cho đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt mô hình nuôi bò sữa ở Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), Bình Dương, Sóc Trăng và các địa phương trong tỉnh. Qua đó, nhận thấy có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả từ nuôi bò sữa và ông đã tiên phong là người đầu tiên đưa bò sữa về xã chăn nuôi. Ông Hải chia sẻ, tôi quyết định phá bỏ cà phê đang cho thu hoạch để trồng cỏ, vay tiền ngân hàng đầu tư chuồng trại, bỏ thời gian đến các trang trại nuôi bò sữa để học cách làm, sau đó, tôi mua 10 con bò về nuôi. Nhờ có bước chuẩn bị khá kỹ càng nên đàn bò của ông Hải mua phát triển tốt. “Mỗi năm bò cái cho sữa và đẻ, bò đực thì tôi bán còn bò cái giữ lại nuôi, đến nay, tổng đàn đã nâng lên 15 con, trong đó có 10 con cho sữa với sản lượng bình quân 20 kg/ngày/con. Hiện tại, tôi đang nuôi bò hậu bị để bán cho các hộ có nhu cầu nuôi. Trừ các chi phí, tôi lãi ròng 50 triệu đồng/tháng nên đã hoàn vốn và còn dư để đầu tư mở rộng trang trại” - ông Hải cho hay. 
 
Trạm thu mua sữa của Công ty Vinamilk đặt ở Di Linh đã mở ra hướng chăn nuôi bền vững cho người dân, góp phần giúp đỡ Di Linh trong việc đẩy nhanh phát triển chăn nuôi bò sữa... Với công suất thu mua 20 tấn/ngày, đảm bảo thu mua cho hơn 1.000 con bò vắt sữa/ngày. Ngoài chức năng thu mua sữa, bên trong trạm còn có địa điểm để Công ty tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho bà con nông dân, giới thiệu các vật tư, thiết bị chuyên dùng trong ngành bò sữa. Trạm còn có khu vực trữ và cung cấp thức ăn tinh, thô. 
 
Đơn Dương là huyện đi đầu trong phong trào nuôi bò sữa với khoảng 13.000 con, trong đó có trên 5.700 con đang khai thác với sản lượng sữa bình quân 100 tấn/ngày; tổng doanh thu từ nguồn sữa tươi đạt 1,3 tỷ đồng/ngày. Từ chăn nuôi bò sữa, nhiều hộ nông dân đã có cuộc sống ổn định, thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng/năm. 
 
Ông Phùng Trần Quỳnh, Giám đốc điều hành HTX bò sữa Đơn Dương cho biết: HTX có 81 thành viên với hơn 1.000 con bò, trong đó có 800 con đang cho vắt sữa. Hiện, HTX đang cung cấp nguồn sữa cho Đà Lạt Milk để sản xuất sữa thanh trùng nên tình hình tiêu thụ sữa trong thời gian qua tương đối ổn định. Liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm sữa tươi nguyên liệu trên địa bàn hoạt động khá hiệu quả, hình thức liên kết chủ yếu là doanh nghiệp ký hợp đồng thông qua hợp tác xã. Thu nhập của người dân qua đó ngày một nâng cao, hầu hết số hộ chăn nuôi bò sữa đều là những hộ khá và giàu.
 
Còn đối với Lâm Hà thì diện tích đất có khả năng phát triển đồng cỏ trồng tương đối lớn, phân bố ở hầu hết các xã, rất thuận lợi cho việc cải tạo đồng cỏ cũng như xây dựng các mô hình chăn nuôi bò ở quy mô trang trại. Qua đó, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, Lâm Hà có khoảng trên 800 con bò sữa. Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa đã góp phần vào việc tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, giải quyết những bất hợp lý trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. 
 
Đàn bò sữa được bấm thẻ tai, lập hồ sơ, lý lịch cá thể để quản lý. Ảnh: H.Yên
Đàn bò sữa được bấm thẻ tai, lập hồ sơ, lý lịch cá thể để quản lý. Ảnh: H.Yên
 
Đến sữa chất lượng cao
 
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 21.000 con bò sữa với khoảng 1.300 hộ, trang trại chăn nuôi tập trung. Hầu hết bò sữa được bấm thẻ tai, lập hồ sơ, lý lịch cá thể để quản lý, tác động kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng sữa. Năng suất sữa tươi đạt bình quân 20 lít/ngày/con (khoảng 6.000 lít/ chu kỳ/con), tổng sản lượng sữa đạt trên 80.000 tấn/năm. Khoảng 95% sản lượng sữa tươi được các Công ty Vinamilk, Cô gái Hà Lan, và Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk) thu mua hết. Qua đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Đơn Dương, Di Linh, Lâm Hà đã mạnh dạn đầu tư và biết cách làm giàu từ con bò sữa.
 
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, có đàn bò sữa hơn 300 con, được đầu tư bài bản, “đúng chuẩn” công nghệ cao. Ngoài hệ thống máy vắt sữa tự động, ông còn đầu tư cả hệ thống kho lạnh để bảo quản sữa. Mỗi ngày gia đình ông thu từ 2-2,5 tấn sữa với giá bán cho công ty 13.000-14.000 đồng/lít. Theo ông Tuấn, chăn nuôi bò sữa hiện nay nếu tuân thủ đúng quy trình, cho ra sản phẩm sữa đạt chuẩn, thì sẽ được các doanh nghiệp thu mua hết với giá thỏa thuận trước. Từ vài năm nay, nhiều hộ chỉ sau 3-4 năm nuôi bò sữa đã khá và giàu lên. Hiện nay, các công ty thu mua sữa có chế độ hỗ trợ người nuôi rất tốt, nhất là các vấn đề về kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe đàn bò, và đặt các trạm thu mua sữa gần khu vực chăn nuôi, rất thuận lợi cho bà con trong việc tiêu thụ sản phẩm.
 
Để đảm bảo nguồn đầu ra sữa chất lượng, Vinamilk sẽ ưu tiên đối với những hộ có quy mô chăn nuôi từ 50 con trở lên cũng như khuyến khích các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ tổ chức thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi bò tập trung.
 
Qua đó, Vinamilk chỉ ký hợp đồng với những hộ có quy mô đàn bò/bê sữa tối thiểu 5 con trở lên; năm 2018 trên 8 con; năm 2019 trên 12 con; từ năm 2020 trên 15 con. Do vậy, huyện và người dân đang thực hiện các biện pháp nhằm tăng số lượng đàn bò trong từng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phát triển chăn nuôi theo hướng chất lượng, để cho ra sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn của doanh nghiệp. 
 
Theo bà Lê Thị Bé, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương, hiện có 3 doanh nghiệp bò sữa lớn là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Cô gái Hà Lan (Friesland Campina) và Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk) đang liên kết với người dân, tạo điều kiện rất thuận lợi cho người chăn nuôi. Khi liên kết, người chăn nuôi đều được ký hợp đồng rất cụ thể. Các công ty thu mua, chế biến sữa đặt quy định chỉ ký hợp đồng tiêu thụ sữa đối với những hộ chăn nuôi có quy mô đàn tối thiểu 10 - 12 con, với sữa tươi hiện nay ổn định từ 12.000 - 14.000 đồng/lít. Qua theo dõi, chất lượng sữa tươi trong dân thời gian gần đây có sự đồng đều và được nâng lên rõ rệt là do các doanh nghiệp thu mua sữa đã có những quy định ràng buộc, nhằm nâng cao chất lượng sữa và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 
 
Theo bà Hà Thị Mai Hương, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh cho biết, xác định bò sữa là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành và thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, xây dựng mô hình chăn nuôi tiêu biểu, lai tạo giống; đào tạo, tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nông dân. Tỉnh Lâm Đồng đã ký kết thỏa thuận khung với Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hộ nông dân liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định. Qua đó, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn bò sữa trên toàn tỉnh đạt 25.000 - 30.000 con, sản lượng sữa tươi đạt từ 100.000 - 120.000 tấn/năm, trên 95% sản lượng sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
 
HOÀNG YÊN