
Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy "Về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025" ban hành vào cuối năm 2016 đặt ra mục tiêu "phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng" đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội...
[links()]
Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy “Về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025” ban hành vào cuối năm 2016 đặt ra mục tiêu “phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng” đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, trọng tâm nhấn mạnh vào việc “phát triển hạ tầng về giao thông, thủy lợi và hạ tầng đô thị” bên cạnh phát triển đồng bộ hạ tầng các lĩnh vực khác. Sau hơn 4 năm triển khai Nghị quyết 06, có thể nhìn rõ hơn diện mạo sống động từ các kết quả đạt được trên thực tế được bồi đắp bởi công sức, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, triển khai thực hiện nghị quyết, đảm bảo cho sự phát triển những năm qua cũng như thời gian tới.
Bài 1: Giao thông chuyển biến rõ nét
Thực hiện đột phá chiến lược xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trong giai đoạn vừa qua, hạ tầng giao thông vận tải của Lâm Đồng tiếp tục có bước chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại được đưa vào khai thác đã tạo điều kiện tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu giao thương nội, ngoại tỉnh.
 |
Cầu vượt bắc qua cao tốc Liên Khương - Đà Lạt nối vào Quốc lộ 27 |
Sớm đầu tư cao tốc Dầu Giây - Liên Khương
Nhìn tổng thể, giao thông đối ngoại nằm trên địa bàn Lâm Đồng trong những năm qua được Bộ Giao thông vận tải quan tâm tiến hành triển khai đầu tư nâng cấp. Theo đó, các tuyến quốc lộ quan trọng của tỉnh như QL.20, nhất là các đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Đà Lạt được nâng cấp, mở rộng. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư tuyến QL.20, đoạn tránh đi qua đô thị thành phố Bảo Lộc; đồng thời, khởi công xây dựng tuyến QL.27 - đoạn tránh Sân bay Liên Khương - từng bị đình hoãn từ năm 2013. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng đang đẩy mạnh đầu tư đường Trường Sơn Đông mà Đà Lạt là điểm cuối để kết nối với các tỉnh phía Bắc Lâm Đồng và khu vực duyên hải miền Trung Nam Bộ.
Song song đó, Lâm Đồng còn phối hợp Tổng Cục Đường bộ Việt Nam trong thực hiện công tác quản lý, bảo trì đối với các tuyến quốc lộ được giao ủy thác. Cụ thể, tiếp nhận đoạn đèo Prenn thành đường địa phương để quản lý, bảo trì từ cuối năm 2017 và kể từ đó đến nay Bộ Giao thông vận tải đã chấp thuận nâng định mức kinh phí bảo dưỡng thường xuyên từ 25 triệu/km lên 50 triệu/km. Với định mức kinh phí bảo trì này giúp Lâm Đồng kịp thời xử lý, khắc phục các hư hỏng cục bộ, nâng cao chất lượng khai thác, sử dụng đoạn đường đèo này.
Theo Sở Giao thông vận tải, một trong những tín hiệu cải thiện mạnh mẽ giao thông đối ngoại của Lâm Đồng đó là việc Bộ Giao thông vận tải đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư và dự kiến đầu tư ngay trong giai đoạn 2021 - 2025 các dự án: Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, QL.28B, QL.27 Liên Khương - K’Rông Nô, QL.55, đoạn đèo Mimosa và các cầu yếu trên QL.20... Trong đó, Lâm Đồng đang đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, nguyên vật liệu... để triển khai dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sớm nhất có thể.
Trên 84% cứng hóa giao thông nông thôn
Nếu như giao thông đối ngoại phụ thuộc vào nguồn vốn Trung ương, nhà đầu tư thì về cơ bản giao thông đối nội nhận được sự ưu tiên tập trung các nguồn lực đầu tư của tỉnh. Và trong giai đoạn 2016 - 2020, Lâm Đồng đã tổ chức khởi công và nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng nhiều dự án quan trọng bao gồm: Xây dựng đường nối Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm với đường cao tốc Liên Khương - chân đèo Prenn; xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường ĐT.723, đoạn Đà Lạt - Đạ Cháy; kiên cố hóa các cầu số 3, 4, 6 và 7 trên tuyến đường Liên Hung - Đầm Ròn... Đồng thời, chuẩn bị, triển khai đầu tư cho nhiều dự án quan trọng giai đoạn 2021 - 2025 đó là các dự án nâng cấp, cải tạo đường tỉnh ĐT 725, đoạn Di Linh - Bảo Lâm; đường gom cao tốc Liên Khương - chân đèo Prenn; đường vành đai TP Đà Lạt; tuyến tránh phía Tây TP Bảo Lộc...
Tương tự, với việc phê duyệt “Đề án phát triển đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020” của UBND tỉnh được xem như “làn gió mới” làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn Lâm Đồng. Thống kê của Sở Giao thông vận tải cho thấy, đến nay hệ thống đường giao thông nông thôn toàn tỉnh bao gồm đường huyện, xã, thôn, xóm, đường nội đồng được cứng hóa khoảng 6.313 km trong tổng số 7.480 km và đạt tỉ lệ 84%. Số xã có đường giao thông đến trung tâm xã đạt tỷ lệ 100%; số xã đạt tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới đạt 100%, góp phần xây dựng hoàn thành chương trình nông thôn mới của tỉnh như dự kiến.
40 tuyến vận tải đến các tỉnh, thành
Song song đó, giao thông đường hàng không cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư và đến nay Cảng Hàng không Sân bay Liên Khương đang khai thác thường lệ 10 tuyến bay nội địa, quốc tế đi, đến và nhiều chuyến bay thuê chuyến quốc tế khác đi Seoul (Hàn Quốc), Singapore, Lào, Campuchia... của các Hãng hàng không Vietnam Airline, Vietjet Air, Korean Air, Silk Air, DHT Aviations... Tần suất khai thác từ 28 - 30 chuyến/ngày, sản lượng khai thác vận tải qua Cảng Hàng không Sân bay Liên Khương những năm gần đây luôn tăng trưởng cao, trung bình vận tải hành khách tăng 30%/năm, vận tải hàng hóa tăng 32%/năm, số lần bay tăng trung bình 20%/năm. Mặt khác, khi giao thông thuận lợi, hoạt động dịch vụ cũng từ đó phát triển đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như giao thương của người dân. Vì vậy, Lâm Đồng là một trong số ít các tỉnh, thành huy động nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư nâng cấp hạ tầng vận tải như: bến xe, bãi đậu xe, phương tiện vận tải, chất lượng dịch vụ, phát triển giao thông công cộng, các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe. Hiện nay có 11/12 bến xe đã được đầu tư xã hội hóa, số lượng phương tiện và sản lượng vận tải tỉnh Lâm Đồng ngày càng tăng cao với hơn 33.900 phương tiện các loại, các tuyến vận tải đã phát triển từ Lâm Đồng đến 40 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo đánh giá của tỉnh: Sau hơn 4 năm thực hiện đột phá chiến lược xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, giai đoạn 2016 - 2020, hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh tiếp tục có bước chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại được đưa vào khai thác đã tạo điều kiện tăng cường kết nối hạ tầng giao thông tỉnh Lâm Đồng. Hệ thống đường địa phương gồm đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường giao thông nông thôn tiếp tục được đầu tư theo hướng cứng hóa mặt đường, góp phần thay đổi hạ tầng đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng hàng không tiếp tục được mở rộng, khai thác; năng lực và dịch vụ vận tải phát triển nhanh, đa dạng... góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đảm bảo kết nối thuận tiện, nhanh chóng, an toàn giữa các phương thức vận tải gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không, trong giai đoạn 2021 - 2025, Lâm Đồng sẽ tập trung ưu tiên hạ tầng giao thông có tính chất thông thương, đối ngoại, liên kết vùng; tiếp tục nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, đảm bảo giao thông đô thị thông suốt đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần nghị quyết của tỉnh vạch ra. Cùng đó tỉnh sẽ bố trí quỹ đất hợp lý để kêu gọi đầu tư xây dựng các bến xe, điểm dừng đỗ xe phục vụ Nhân dân và khách du lịch; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai nghiên cứu khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt; huy động, kêu gọi các nguồn lực đầu tư hoàn thành 6 tuyến đường sắt đô thị dạng monorail phục vụ các tuyến du lịch trên địa bàn TP Đà Lạt...
(CÒN NỮA)
XUÂN TRUNG