Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Lâm Đồng

05:06, 18/06/2022
(LĐ online) - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Lâm Đồng hướng tới mục tiêu chung của Chiến lược là phát triển nông nghiệp hàng hóa có giá trị, sức cạnh tranh cao, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
Lâm Đồng hướng tới mục tiêu chung của Chiến lược là phát triển nông nghiệp hàng hóa có giá trị, sức cạnh tranh cao, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
 
Kế hoạch thực hiện Chiến lược mang tính hệ thống, định hướng bao quát, dài hạn và hiện thực hóa định hướng các nghị quyết của Đảng, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, quá trình cơ cấu lại nông nghiệp gắn chặt hơn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà, phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững, hiệu quả cao trên cơ sở thế mạnh nền tảng, động lực là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thị trường.
 
Theo đó, mục tiêu chung của Chiến lược là phát triển nông nghiệp hàng hóa có giá trị, sức cạnh tranh cao, từng bước mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Từng bước trở thành Trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng, dịch vụ xã hội phù hợp với quá trình đô thị hóa; đảm bảo hài hòa giữa sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp gắn với ổn định kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
 
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng có tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm thủy đạt bình quân 4 - 4,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản bình quân 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng năm đạt 8-10%; đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 700 triệu USD, tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chế biến, chế biến sâu đạt từ 35% trở lên. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 50%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 75%.
 
Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững, đến năm 2030 thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 3 lần năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 1,5%. Phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số, phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người bằng ít nhất 75% bình quân toàn tỉnh; hàng năm thu hút 3 - 5% lao động vùng dân tộc thiểu sổ chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp.
 
Đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đến năm 2030 có 60 xã nâng cao, 25 xã kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sạch tại nông thôn; 100% công trình thủy lợi trọng điểm được khởi công; trên 90% đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được cứng hóa; 75% diện tích canh tác được tưới; 40% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 55%; khai thác bền vững các giá trị tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng.
 
Tầm nhìn đến 2050: Phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại có giá trị gia tăng cao, có năng lực cạnh tranh quốc tế; đời sống văn hóa, xã hội và thu nhập của người dân nông thôn tiệm cận với đô thị; nông thôn thịnh vượng và có kết cấu hạ tầng phù hợp, cảnh quan môi trường sạch đẹp, xã hội văn minh.
 
Kế hoạch Chiến lược có 8 nhiệm vụ, giải pháp cho ngành nông nghiệp, nông thôn bền vững gồm: Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; quản lý, nâng cao chất lượng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất có hiệu quả; thúc đẩy hợp tác liên kết, phát triển chuỗi giá trị; phát triển hệ thống thủy lợi, nước sạch và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông thôn; phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống; phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu
 
Về nguồn vốn sẽ được thực hiện theo hướng đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện, gồm: Nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành. Kinh phí lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2030. Kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong, ngoài nước và kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
 
Việc tổ chức thực hiện kế hoạch thực hiện Chiến lược nêu trên được UBND tỉnh giao thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các cơ quan đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh căn cứ thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tính đồng bộ và khả thi; đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng sở, ngành và UBND các huyện, thành phố.
 
C.THÀNH