Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tổ chức từ 3/1 đến hết ngày 15/3/2023. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng lấy ý kiến nhằm đảm bảo quyền lợi của tổ chức, cá nhân, phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm được các chuyên gia, đại diện sở, ngành, địa phương trao đổi với Đoàn ĐBQH |
Việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, đồng thời huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích Nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Trong đó, trọng tâm được tập trung vào các vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.
Toàn hệ thống chính trị cùng tăng cường tham gia nghiên cứu, góp ý nhằm hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Trong đó, tập trung đề xuất hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và HĐND trong việc xây dựng bảng giá đất. Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại.
Ngoài ra còn góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp.
Hoàn thiện các chế định về điều tiết của Nhà nước để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững. Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều; trong đó, giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Luật sửa đổi, điều chỉnh nhằm hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Trao đổi về nội dung này, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo cho rằng, trước đó, ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo chuyên đề đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời, nghe phản ánh về trực trạng, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, nghe phản ánh, góp ý của các chuyên gia và đại diện sở, ngành, địa phương liên quan. Đại diện các địa phương cho ý kiến đề xuất trong luật nên chuyển một số đất rừng ra làm khu tái định cư phục vụ quy hoạch, vì hiện tại quỹ đất rất thiếu để thực hiện tái định cư... Đại biểu tham dự cơ bản nhất trí cao với việc điều chỉnh, sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp thực tế. Có đại biểu góp ý nên có quy định đối với cấp xã, qua đó giúp công tác quy hoạch hiệu quả hơn, giúp người dân tham gia nghĩa vụ đối với Nhà nước. Về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cần quy hoạch đất ở, đất sản xuất một cách cụ thể hơn. Có những vấn đề người dân quan tâm kiến nghị rất thiết thực, đề nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật. Trong dự thảo Luật vẫn bộc lộ có điểm trùng lắp với Luật Xây dựng. Về quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới như đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau để phát triển. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất. Đó là mong muốn của nhiều cử tri và Nhân dân muốn gửi gắm đến Ban Soạn thảo các dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là nội dung hết sức quan trọng, tác động mạnh mẽ đến toàn thể các vấn đề lợi ích quốc gia, lợi ích Nhân dân và tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nên rất cần sự cân nhắc kỹ lưỡng, khoa học, sát thực tiễn và có tầm nhìn chiến lược, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho Nhân dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin