Xác định rõ ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thời gian qua, huyện Đạ Tẻh đã đa dạng các hình thức, triển khai nhiều mô hình linh hoạt nhằm tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tạo sự chuyển biến về nhận thức trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Xã Mỹ Đức ra quân tuyên truyền PBGDPL cho người dân |
Là một trong những địa phương được đánh giá làm tốt công tác tuyên truyền, hằng năm, UBND xã Mỹ Đức luôn củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động nguồn nhân lực thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL. Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức Hoàng Hồng Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, công tác tuyên truyền miệng, thực hiện Ngày Pháp luật hàng tháng được 6 buổi cho khoảng 180 lượt cán bộ, công chức; xây dựng thành mục, bản tin để phát thanh trên loa phát thanh của xã 3 buổi/tuần. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của xã tuyên truyền, tiến hành phát hơn 2.000 tờ rơi các loại.
Tại huyện Đạ Tẻh, công tác tuyên truyền PBGDPL luôn được thực hiện có nền nếp, hiệu quả trên cơ sở đổi mới, linh hoạt triển khai đa dạng các hình thức. Với các nội dung tuyên truyền đều được xây dựng đảm bảo tiêu chí “ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ”, cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng cơ quan chức năng, đội ngũ báo cáo viên đã tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền như: lồng ghép trong các hội nghị; phát hành tờ rơi; hội thi tìm hiểu về pháp luật; phiên tòa giả định...
Hiện, toàn huyện Đạ Tẻh có 9/9 xã, thị trấn đủ điều kiện và được UBND huyện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022, chiếm tỷ lệ 100%. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, UBND huyện và các cơ quan, ban, ngành đã tổ chức 10 hội nghị với hơn 1.597 lượt người tham dự; cấp phát 23.000 tờ rơi về triển khai các dịch vụ công trực tuyến đến các xã, thị trấn, các trường THCS, THPT trên địa bàn. Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền, giáo dục trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo,... cũng được chú trọng với nhiều hình thức sinh động, phù hợp với thói quen sử dụng điện thoại của người dân...
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, hiện, các cấp xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có 154 tuyên truyền viên pháp luật, 77 tổ hòa giải/77 thôn, tổ dân phố với 435 hòa giải viên. Từ đầu năm tới nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 20 vụ việc tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, môi trường. Kết quả đã hòa giải thành 15 vụ việc/20 vụ việc, đạt tỷ lệ 70%.
Từ kinh nghiệm làm công tác hòa giải lâu năm, bà Trần Thị Gấm - Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức cho biết: Các thành viên trong tổ chủ động tìm hiểu, tra cứu thêm các văn bản pháp luật, kết hợp với nắm tình hình thực tế để hòa giải, không để mâu thuẫn thêm phức tạp. Ngoài ra, tổ hòa giải phân công các thành viên phụ trách từng lĩnh vực để kịp thời nắm bắt các vụ việc phát sinh trong cộng đồng, từ đó tìm cách tháo gỡ, tránh dẫn đến mâu thuẫn lớn, kiện tụng nhau.
Trong 6 tháng đầu năm, Phòng Tư pháp, Công an huyện, một số cơ quan thành viên Hội đồng PBGDPL tiếp tục phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện duy trì thường xuyên bản tin thông tin pháp luật vào thứ Sáu hàng tuần trên sóng truyền thanh; phát 72 tin, bài tuyên truyền pháp luật trên chuyên mục “Thông tin pháp luật”; đăng tải 8 tin, bài tuyên truyền pháp luật tại chuyên mục “Phổ biến pháp luật” trên Trang thông tin điện tử huyện. Đối với cấp xã, công tác phổ biến, giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước tới cán bộ và Nhân dân được thực hiện thông qua các buổi họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt câu lạc bộ, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh.
Tính đến nay, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức 168 buổi phổ biến giáo dục trực tiếp cho bà con Nhân dân trên địa bàn với 13.448 lượt người tham dự. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào các quy định pháp luật về đất đai, xử lý vi phạm hành chính, an toàn giao thông, an ninh, trật tự, phòng, chống ma túy... Các câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” ở 9 xã, thị trấn thường xuyên duy trì hoạt động nhằm kịp thời tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước kịp thời đến đoàn viên, hội viên mình để biết và chấp hành.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Đạ Tẻh tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn; duy trì tổ chức sinh hoạt Ngày Pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả PBGDPL trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trọng tâm là đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, học tập môn học pháp luật và giáo dục công dân theo hướng tiên tiến, hiện đại, phù hợp; nâng cao hiệu quả PBGDPL ngoài giờ lên lớp; kiểm tra, đánh giá công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; nâng cao năng lực, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật mới và kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL, nghiệp vụ hòa giải gắn với quản lý, sử dụng có hiệu quả đội ngũ này trong công tác PBGDPL . Đặc biệt là thực hiện việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 của Bộ Tư pháp, gắn việc thực hiện tiêu chí “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” với xây dựng nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin