UBND tỉnh yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

NGUYỄN NGHĨA 13:38, 31/12/2024

(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện có hiệu quả Công điện của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

CSGT tuyên truyền giao thông cho học sinh
CSGT tuyên truyền giao thông cho học sinh

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tập trung nghiên cứu thực hiện có hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật được thực hiện thống nhất, đồng bộ từ ngày 1 tháng 1 năm 2025; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của các cấp bộ, ngành trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh; duy trì thường xuyên việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu lực, hiệu quả, quyết liệt, kịp thời các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông để đẩy lùi, giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm tốt nhất an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản cho nhân dân.

Trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại cơ quan đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ vi phạm chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giao thông, hoặc không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tổ chức rà soát toàn diện việc triển khai, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao theo nội dung các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chương trình, kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Căn cứ trên kết quả đạt được, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện, đặc biệt tập trung vào các giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao để thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào đối tượng lứa tuổi học sinh và các bậc phụ huynh, vận động đến từng gia đình không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; nâng cao ý thức, phẩm chất của lực lượng thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan (Công an, giao thông vận tải, thuế, hải quan...).

Chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch phòng ngừa tai nạn giao thông và giữ gìn trật tự, an toàn giao thông phục vụ Nhân dân đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh duy trì thường xuyên công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh (cương quyết xử lý nghiêm vi phạm, không có vùng cấm và không có can thiệp), trong đó tập trung xử lý các hành vi vi phạm như: nồng độ cồn, ma túy; chở hàng quá khổ, quá tải trọng; “cơi nới” thành thùng xe; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của xe mô tô kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa thông qua ứng dụng gọi xe trên mạng, xem xét trách nhiệm của đơn vị quản lý ứng dụng kết nối công nghệ khi có nhiều phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn trên Quốc lộ 20

Tăng cường áp dụng hình thức “xử phạt nguội” đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và trong, ngoài đô thị (thông qua các thiết bị nghiệp vụ, hệ thống camera giám sát và thông tin người dân cung cấp) để hạn chế sự tác động, can thiệp vào quá trình xử lý đối với những phương tiện vi phạm quy định (về tốc độ, lấn làn, lấn tuyến, vượt đèn đỏ...); đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, phát động phong trào toàn dân lên án, phát hiện và cung cấp tài liệu phản ánh vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông để lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục; mở các đợt tuần tra kiểm soát theo chuyên đề để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn đối với lứa tuổi học sinh; phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo, chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục để quản lý, răn đe, giáo dục, phòng ngừa sai phạm đối với các em học sinh; nghiên cứu, rà soát, bổ sung các quy định về trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh sử dụng phương tiện xe máy tham gia giao thông an toàn theo quy định của pháp luật.

Sở Giao thông vận tải thực hiện rà soát và đề xuất đầu tư xây dựng có trọng tâm trọng điểm các dự án, công trình xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại và kết nối đồng bộ; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông đang triển khai thực hiện; chủ động phối hợp cùng các sở, ngành và địa phương thực hiện các dự án trọng điểm của ngành giao thông trên địa bàn như: tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt...

Tiếp tục phối hợp với Khu Quản lý đường bộ IV, các địa phương rà soát các "điểm đen”, "điểm tiềm ẩn" tại nạn giao thông và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông trên địa bàn tỉnh để đề ra phương án, kế hoạch, lộ trình giải quyết khắc phục. Xem xét, xử lý trách nhiệm các đơn vị đã được kiến nghị nhiều lần nhưng chậm khắc phục các "điểm đen”, "điểm tiềm ẩn" để xảy ra ùn tắc giao thông và tại nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, công tác đăng kiểm, kiểm định phương tiện; chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe và trung tâm đăng kiểm để đảm bảo theo quy định mới. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe và công tác đăng kiểm phương tiện.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về "Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiên tham gia giao thông" đối với học sinh.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn quản lý, nhất là hệ thống an toàn giao thông (hệ thống biển báo, sơn đường, đèn tín hiệu, cọc tiêu, hộ lan...) tại các nút giao thông, các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên các tuyến đường quản lý; tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự đô thị, quản lý lòng đường, hè phố, quản lý hành lang an toàn đường bộ.

Chỉ đạo lực lượng chức năng tại địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện đẩy mạnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải trong quá trình kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tại địa phương; bên cạnh đó, phát động các tô chức, cá nhân trên địa bàn kịp thời cung cấp thông tin về hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tại nạn giao thông.