Huyện Đơn Dương là địa bàn cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh, diện tích rừng khá lớn, đặc biệt giáp ranh tỉnh Ninh Thuận và 2 huyện, 1 thành phố, vì vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) luôn tiềm ẩn phức tạp...
Huyện Đơn Dương là địa bàn cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh, diện tích rừng khá lớn, đặc biệt giáp ranh tỉnh Ninh Thuận và 2 huyện, 1 thành phố, vì vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) luôn tiềm ẩn phức tạp. Nhắc đến Đơn Dương, một thời là điểm nóng phá rừng nghiêm trọng ở khu vực YaHoa, nhưng nay thì đã khắc phục được cơ bản.
|
Cán bộ Kiểm lâm Đơn Dương kiểm kê tang vật gỗ của đối tượng vi phạm trên địa bàn |
Địa bàn nhiều khó khăn
Với độ cao tương đối, trên 1.000 m so với mặt nước biển, địa bàn huyện Đơn Dương có hơn 60 km chủ yếu rừng giáp huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận ở phía Đông. Khu vực này đường đi lại để QLBVR rất khó khăn từ cả 2 tỉnh, do dốc núi cao, xa khu dân cư. Đời sống dân cư giáp ranh 2 huyện Ninh Sơn và Đơn Dương đều còn nhiều khó khăn nên tài nguyên rừng luôn chịu áp lực lớn vì khai thác lâm sản và phá rừng làm nương rẫy. Ba phía còn lại (Nam, Tây và Bắc), Đơn Dương giáp 2 huyện Đức Trọng, Lạc Dương, thành phố Đà Lạt. Điều kiện địa hình ở Đơn Dương chủ yếu núi cao, sông suối. Dân tộc thiểu số chiếm gần 30%, bao gồm Kơho, Churu, Nùng, Tày…
Theo phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng của UBND tỉnh Lâm Đồng, tại Quyết định 2016, ngày 9/10/2018, đất quy hoạch lâm nghiệp của huyện Đơn Dương là hơn 40.852 ha; trong đó, rừng phòng hộ 17.211 ha (rừng tự nhiên 13.655 ha, rừng trồng 1.080 ha,…); rừng sản xuất hơn 23.641 ha (rừng tự nhiên 16.126 ha và rừng 5.138 ha,...). Cơ cấu 3 loại rừng của huyện Đơn Dương giai đoạn 2016 - 2025 được phê duyệt bao gồm, đất lâm nghiệp 40.816 ha, chiếm tỷ lệ 66,76% trong tổng diện tích tự nhiên; rừng phòng hộ 17.200 ha và rừng sản xuất 23.616 ha. Căn cứ số liệu hiện trạng rừng ngày 31/12/2017, tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện Đơn Dương đạt tỷ lệ 58,4%.
Với những đặc điểm khó khăn trong nhiệm vụ QLBVR như nêu ở trên, đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành phải thường xuyên đặt lên hàng đầu. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đơn Dương Võ Văn Lập cho biết, ngoài các văn bản của Trung ương và UBND tỉnh, riêng năm 2018, đơn vị triển khai thực hiện 11 văn bản của Chi cục Kiểm lâm và 8 văn bản của UBND huyện, còn trong 9 tháng đầu năm, Hạt triển khai 4 văn bản của UBND huyện và 12 văn bản của Chi cục. Theo đó, Hạt Kiểm lâm Đơn Dương cụ thể hóa bằng những kế hoạch và phương án QLBVR, phát triển rừng (PTR) cụ thể, từ công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đến hoạt động của lực lượng kiểm lâm địa bàn và Ban Lâm nghiệp xã. Từ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức cho thuê rừng; triển khai giao khoán QLBVR đến các công tác bảo tồn thiên nhiên; trồng cây, trồng rừng phân tán; kiểm tra, giám sát khai thác lâm sản. Đó còn là giải quyết khiếu nại, tố cáo, tin báo tội phạm; công tác kiểm tra, truy quét, chống phá rừng và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về Luật Lâm nghiệp…
Những kết quả vui
Hàng năm, Hạt Kiểm lâm Đơn Dương phối hợp cùng Ban Lâm nghiệp và chính quyền các xã, thị trấn tổ chức họp lực lượng nhận khoán và lồng ghép tuyên truyền đến người dân, trên dưới 40 cuộc, trung bình 1.500 lượt người tham gia, để đánh giá công tác QLBVR. Cùng đó là việc thường xuyên phổ biến văn bản pháp luật đến tận từng hộ gia đình, đặc biệt là những hộ dân sống ven rừng, những hộ canh tác nương rẫy ký cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Đối với lực lượng kiểm lâm địa bàn và Ban Lâm nghiệp xã, với 9 xã, thị trấn có rừng, mỗi địa phương có 1 kiểm lâm phụ trách và thành lập ban lâm nghiệp. Đây là lực lượng gần dân nên được phát huy cao trong công tác tuyên truyền và tham mưu với chính quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Kiểm lâm địa bàn và ban lâm nghiệp cũng là đầu mối quan trọng để phối hợp với đơn vị chủ rừng, lực lượng nhận khoán tổ chức tuần tra, kiểm tra với trên dưới 200 đợt, có hàng ngàn lượt người tham gia mỗi năm...
Cùng nhiều giải pháp, biện pháp phù hợp khác, QLBVR và PTR trên địa bàn huyện Đơn Dương ngày càng thu được những kết quả tích cực. Trong đó, số vụ vi phạm các quy định về BV&PTR giảm dần; sự vượt bậc đáng ghi nhận nhất là năm 2018, toàn huyện chỉ có 20 vụ, giảm 16 vụ so với 2017, tương đương 44,44%. Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Đơn Dương, 9 tháng đầu năm 2019, toàn huyện đã giao khoán BVR hơn 30.000 ha cho 5 đơn vị và 934 hộ gia đình quản lý. Nếu năm 2018, Đơn Dương trồng được 1.386/5.320 cây phân tán do kinh phí tỉnh cấp chưa chuyển thì 9 tháng đầu năm 2019 huyện đã trồng được 3.831/4.131 cây, cây sau khi trồng phát triển tốt. Trong năm này, công tác kiểm tra, giám sát khai thác lâm sản cũng làm tốt: nghiệm thu tỉa thưa rừng trồng hơn 2.768 m
3; nghiệm thu khai thác trắng rừng trồng hơn 1.762 m3. Về công tác kiểm tra, truy quét, chống phá rừng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đơn Dương Võ Văn Lập cho biết: “Qua công tác tuần tra, Đội 12/TTg (thành lập theo Chỉ thị số 12/TTg của Thủ tướng, ngày 16/5/2003 “Về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để BV&PTR”-MĐ) đã phối hợp, hỗ trợ kiểm lâm địa bàn các xã, thị trấn tổ chức ngăn chặn các hành vi vi phạm. Riêng đối với vùng giáp ranh huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, thường xuyên xây dựng kế hoạch tuần tra tại các tiểu khu 327, 328, 329, 330, 334, 335… kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm”.
Bài học về nguyên nhân thành công ở huyện Đơn Dương, trước hết, đó là công tác tuyên truyền được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do đó cơ quan chức năng duy trì thường xuyên nhiều hình thức linh hoạt, chủ động và nêu cao tinh thần trách nhiệm của tập thể và mỗi cá nhân. Kiểm lâm địa bàn và Ban Lâm nghiệp xã, thị trấn phát huy được trách nhiệm tham mưu; công tác PCCCR triển khai đồng bộ; công tác tuần tra, truy quét đạt nhiều hiệu quả; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… Dĩ nhiên phía trước luôn luôn là những khó khăn phải khắc phục, vượt qua thì QLBVR và PTR ở Đơn Dương mới thực sự hiệu quả và bền vững. Ngoài việc giảm dần những hạn chế, tồn tại; đồng thời phát huy những bài học thành công là vấn đề không chỉ dừng lại ở nhận thức mà là hoạt động, hành động thiết thực, thường xuyên từ từng tập thể và mỗi cá nhân liên quan.
MINH ĐẠO