Việc sửa đổi, bổ sung Luật cũng nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa và cụ thể hóa theo hướng đầy đủ, toàn diện, đúng nguyên tắc hoạt động KTNN là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được Hiến pháp quy định;...
Việc sửa đổi, bổ sung Luật cũng nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa và cụ thể hóa theo hướng đầy đủ, toàn diện, đúng nguyên tắc hoạt động KTNN là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được Hiến pháp quy định; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, duy trì trật tự, kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật, khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn hoạt động của Kiểm toán nhà nước hiện nay. Đồng thời, qua đó cũng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các kiểm toán tối cao (INTOSAI), nhất là về kiểm toán thuế, kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin, các chế tài trong lĩnh vực KTNN phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
|
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng lấy ý kiến góp ý Dự thảo luật |
Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW, có ý kiến cho rằng, Dự thảo luật chưa bám sát chủ trương của Đảng, chủ yếu đề cập đến chức năng, nhiệm vụ và mở rộng quyền hạn của KTNN; chưa có các quy định để sắp xếp tổ chức, bộ máy; chưa làm rõ các quy định để xử lý chồng chéo giữa KTNN với các cơ quan thanh tra theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa KTNN với các cơ quan thanh tra và ngược lại trong quá trình lập, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán. Nội dung sửa đổi thể hiện ở Khoản 10 Điều 1 Dự thảo luật, bổ sung Điều 64a.
Về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, có ý kiến cho rằng, quy định như Dự thảo luật là mở rộng đối tượng kiểm toán, trái với Luật KTNN và Hiến pháp. Ý kiến khác cho rằng, đối tượng kiểm toán theo Dự thảo luật là rất rộng, cần thu hẹp lại. Có ý kiến đề nghị làm rõ thế nào là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Đề nghị các đại biểu nêu quan điểm quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Một số ý kiến tán thành việc bổ sung nội dung này để đáp ứng nhu cầu giám định tư pháp khi xử lý các vụ án kinh tế, vụ án tham nhũng, song băn khoăn vì dễ phải thành lập thêm tổ chức bộ máy, chưa phù hợp với nghị quyết của Trung ương. Một số ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi chỉ thực hiện giám định khi cấp có thẩm quyền yêu cầu để tránh chồng chéo và phù hợp với khả năng của KTNN. Có ý kiến cho rằng nên giao cho tổ chức giám định tài chính thực hiện, không nên giao cho KTNN. Ý kiến khác cho rằng, theo quy định của Luật Giám định tư pháp, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tố tụng kể cả KTNN nên không cần quy định trong Luật KTNN.
Nhiều ý kiến đồng tình bổ sung thẩm quyền cho KTNN nhưng đề nghị cần đánh giá và xem xét kỹ để tránh xung đột với các luật chuyên ngành.
Có ý kiến cho rằng Dự thảo luật có nội dung chồng chéo với một số luật khác, có nội dung vượt thẩm quyền, có nội dung chưa phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Có ý kiến cho rằng một số quy định không thuộc phạm vi của Luật này mà phải quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, có ý kiến đề nghị rà soát kỹ để tránh dẫn chiếu quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Có ý kiến cho rằng Dự thảo luật có nội dung mở rộng hơn Luật PCTN, có thể chồng chéo với nhiệm vụ của các cơ quan điều tra như trao thêm thẩm quyền “xác minh” cho tất cả các trường hợp trong hoạt động kiểm toán, ban hành quyết định kiểm toán khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật…; Có ý kiến đề nghị bám sát các nội dung quy định tại Chương II, Chương III Luật PCTN để quy định việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan KTNN.
Về bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cho rằng: “Cơ sở dữ liệu thường có nhiều loại thông tin khác nhau, thông tin mật, tối mật, có những thông tin bí mật riêng tư... được pháp luật bảo hộ đầy đủ. Vì vậy, cần phân cấp quyền truy cập phù hợp, có quản lý, giám sát chặt chẽ, không để lộ, lọt bí mật. Mặt khác, để KTNN có quyền truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia để khai thác, thu thập thông tin có liên quan đến nội dung kiểm toán, song lại chưa quy định rõ thẩm quyền và phạm vi được phép truy cập là chưa đầy đủ, cần bổ sung các nội dung này vào Dự thảo luật”.
Có ý kiến đề nghị không giao quyền truy cập cho KTNN vì liên quan đến an ninh, tài liệu mật, tối mật, quyền riêng tư được pháp luật bảo hộ, quy định bảo vệ bí mật Nhà nước.
Về kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN, một số ý kiến cho rằng, KTNN vừa ban hành quy định về tổ chức, hoạt động kiểm soát vừa thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chất lượng chỉ là việc thực hiện kiểm soát trong nội bộ kiểm toán. Cần có cơ quan, tổ chức độc lập để kiểm soát chất lượng kiểm toán, giám sát hoạt động kiểm toán. Vì vậy, đề nghị quy định giao cho một cơ quan của Quốc hội hoặc sử dụng một cơ quan kiểm toán độc lập để kiểm soát hoạt động kiểm toán, giám sát hoạt động kiểm toán.
Về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán, có ý kiến đề nghị quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán phải được quy định như quyền khiếu nại đối với các lĩnh vực khác. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp không đồng ý với kết luận, kiến nghị của KTNN. Đề nghị quy định theo hướng khởi kiện ra tòa và quy định rõ cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý. Quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại. Ý kiến khác đề nghị bổ sung điều, khoản cụ thể vào Dự thảo luật để sửa đổi các điều, khoản liên quan của Luật Khiếu nại, Luật Tố tụng hành chính, đặc biệt là đảm bảo quyền khởi kiện ra tòa vì báo cáo kiểm toán không phải là quyết định hành chính.
Về bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp, một số ý kiến tán thành việc bổ sung nội dung này để đáp ứng nhu cầu giám định tư pháp khi xử lý các vụ án kinh tế, vụ án tham nhũng, song băn khoăn vì dễ phải thành lập thêm tổ chức bộ máy, chưa phù hợp với nghị quyết của Trung ương . Một số ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi chỉ thực hiện giám định khi cấp có thẩm quyền yêu cầu để tránh chồng chéo và phù hợp với khả năng của KTNN. Có ý kiến cho rằng nên giao cho tổ chức giám định tài chính thực hiện, không nên giao cho KTNN. Ý kiến khác cho rằng, theo quy định của Luật Giám định tư pháp, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tố tụng kể cả KTNN nên không cần quy định trong Luật KTNN. Có ý kiến đề nghị không nên bổ sung nội dung này vào Luật KTNN, nếu cần thiết thì bổ sung trong Luật Giám định tư pháp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc đề xuất bổ sung quy định này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khi các cơ quan tố tụng đề nghị KTNN thực hiện giám định đối với một số vụ việc cụ thể phục vụ quá trình xem xét, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế. Tuy nhiên, nếu bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN thì lĩnh vực giám định của KTNN sẽ là tài chính công, tài sản công nên chồng chéo với nhiệm vụ giám định tư pháp của nhiều cơ quan, đơn vị đã quy định trong Luật Giám định tư pháp. Việc bổ sung quy định này có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của KTNN. Hơn nữa, theo quy định hiện hành, chỉ có cơ quan giám định chuyên trách và hoạt động giám định chuyên ngành, KTNN có thể thực hiện giám định chuyên ngành nhưng không thể trở thành cơ quan giám định chuyên trách như các cơ quan khác. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Trong quá trình sửa đổi Luật sẽ nghiên cứu, bổ sung hợp lý nội dung này nếu cần thiết. Vì vậy, xin không bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Việc thực hiện nhiệm vụ này của KTNN sẽ theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, trong quá trình thảo luận đã có 11 đại biểu phát biểu tham gia đóng góp ý kiến. Đa số ý kiến phát biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban TVQH. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến liên quan đến quy định bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia và cho rằng cần bổ sung quyền truy cập cho KTNN là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán, phù hợp với xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu cho rằng, cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán chứa đựng nhiều loại thông tin khác nhau như thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, bí mật riêng tư, bí mật nhà nước… nên cần phân cấp quyền truy cập phù hợp và phải quản lý, giám sát chặt chẽ.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Ủy ban TVQH sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp các cơ quan chức năng chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
NGUYỆT THU