Đam Rông: Mạnh tay trong xử lý vi phạm về rừng

06:06, 16/06/2020

Mạnh tay trong xử lý các đối tượng vi phạm hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép và kiểm điểm trách nhiệm cán bộ sai phạm là giải pháp của huyện Đam Rông trong quản lý và bảo vệ rừng.

Mạnh tay trong xử lý các đối tượng vi phạm hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép và kiểm điểm trách nhiệm cán bộ sai phạm là giải pháp của huyện Đam Rông trong quản lý và bảo vệ rừng.
 
Các đối tượng phá hoại gần 2,5 ha rừng tại lô a, Khoảnh 4, Tiểu khu 251, xã Đạ K’Nàng vào tháng 9/2019 trong quá trình thực nghiệm hiện trường
Các đối tượng phá hoại gần 2,5 ha rừng tại lô a, Khoảnh 4, Tiểu khu 251, xã Đạ K’Nàng vào tháng 9/2019 trong quá trình thực nghiệm hiện trường
 
Huyện Đam Rông có trên 66.800 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 76% diện tích đất tự nhiên. Bởi vậy những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà địa phương tập trung lãnh đạo. 
 
Nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm giữ độ che phủ của rừng. Trong đó, việc tăng cường phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư, nhất là các hộ sống ven rừng, vùng đồng bào DTTS… là xương sống xuyên suốt. Việc tuyên truyền được thực hiện thông qua các cuộc họp thôn, hệ thống loa truyền thanh, pa nô, áp phích… Song song với đó, việc quan tâm, chăm lo lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ phát triển sinh kế cho các hộ khó khăn từ việc quản lý, bảo vệ rừng cũng là cách để huy động sức mạnh từ Nhân dân. Và đặc biệt, việc chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, mật phục để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm là một trong những giải pháp mạnh tay và hiệu quả, nhằm phòng ngừa và hạn chế các vụ vi phạm lâm luật xảy ra trên địa bàn.
 
Theo thông tin từ UBND huyện Đam Rông, hàng tháng lãnh đạo huyện đều ban hành kế hoạch kiểm tra rừng. Đồng thời thường xuyên tiến hành kiểm tra đột xuất nhất là những vị trí, khu vực điểm nóng hoặc tiềm ẩn nguy cơ dễ phát sinh vi phạm. Qua đó, kịp thời chỉ đạo xử lý những vấn đề nổi cộm, khó khăn và động viên công chức, viên chức nâng cao trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể, từ năm 2015 đến cuối năm 2019, huyện Đam Rông đã giải tỏa trên 272 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Tổ chức trồng lại trên 1.400 ha diện tích rừng. Phát hiện và xử lý 544 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Thu hồi 1.141 m3 gỗ các loại và trên 100 phương tiện, dụng cụ phục vụ quá trình vi phạm. Xử lý bán tang vật, phương tiện vi phạm và nộp ngân sách Nhà nước trên 3 tỷ đồng. 
 
Theo nhận định của huyện Đam Rông, việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép chiếm 50 - 60% số vụ vi phạm hàng năm.
 
Mặc dù không ngừng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhưng tình hình phá rừng, khai thác rừng, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn huyện vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng rất manh động và tinh vi, hoạt động khai thác thường được tiến hành vào ban đêm, ở những khu vực rừng ở xa, không có sóng điện thoại và có những đường tắt để thoát sang các địa bàn lân cận nên gây khó khăn trong công tác tuần tra, truy bắt. 
 
Để hạn chế, giảm thiểu vi phạm, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Công an huyện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để thực hiện tốt công tác quản lý nhân hộ khẩu, đối tượng sống từ nghề rừng, các cơ sở mộc dân dụng gắn với phát huy, tổ chức thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tố giác tội phạm... Từ đó, các vụ việc vi phạm, nổi cộm, có dấu hiệu tội phạm đã kịp thời chỉ đạo chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, truy tố theo quy định; tổ chức kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc lâm sản và chỉ đạo chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, triệt phá các đối tượng cầm đầu, vi phạm hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. 
 
Bên cạnh việc xử lý các đối tượng vi phạm, từ những vụ phá rừng, các cán bộ liên quan đã buông lỏng quản lý, để mất rừng cũng bị xử lý kỷ luật. Điều này có thể kể đến vụ phá hoại gần 2,5 ha rừng tại lô a, Khoảnh 4, Tiểu khu 251, xã Đạ K’Nàng vào tháng 9/2019. Đây là vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng quy mô lớn, có sử dụng máy móc thiết bị hiện đại. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo Công an huyện khởi tố vụ án, khởi tố bị can và điều tra xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Sau nhiều lần tổ chức kiểm tra, kiểm điểm, đến cuối tháng 10/2019, việc tổ chức kiểm điểm xử lý kỷ luật của các đơn vị được tiến hành xong. Điều này góp phần đảm bảo tính răn đe, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp. 
 
Nhờ những biện pháp mạnh tay trên đã góp phần kìm hãm các đối tượng vi phạm. Từ đó, số vụ vi phạm, diện tích và lâm sản thiệt hại giảm so với giai đoạn 2010 - 2015. Nhờ vậy, đến cuối năm 2019, tỷ lệ che phủ rừng của huyện Đam Rông đạt 64,8% (tăng 0,7% so với đầu năm 2015).
 
Tuy nhiên, thực tế công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp chưa được giải quyết. Trong đó phải kể đến thực trạng các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do vào và sinh sống trong rừng sâu. Tình hình khai thác lâm sản, san ủi, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại các khu vực rừng giáp ranh giữa huyện Đam Rông và các huyện của tỉnh Đắc Nông cũng như các huyện Lâm Hà, Lạc Dương vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều diện tích rừng ở nơi xa xôi, hẻo lánh, không có sóng liên lạc nên gây khó khăn cho các đơn vị chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng...
 
Điều này đòi hỏi Đam Rông bên cạnh việc mạnh tay trong xử lý vi phạm phải làm tốt công tác tuyên truyền để dựa vào dân mà giữ rừng. Đồng thời, khơi dậy ý thức, trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và bảo vệ rừng. Đó là những giải pháp đi trước để cùng với việc mạnh tay trong xử lý các đối tượng vi phạm luật lâm nghiệp, góp phần giữ và bảo vệ rừng.
 
NGỌC NGÀ