Nâng cao công tác trợ giúp pháp lý trong vùng đồng bào DTTS

05:06, 09/06/2020

Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách mang tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước nhằm cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những chính sách mang tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước nhằm cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS),… giúp họ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết pháp luật, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống. Đối với một tỉnh có đông đồng bào DTTS chung sống như Lâm Đồng thì hoạt động TGPL càng cần thiết hơn.
 
Một buổi phổ biến pháp luật và TGPL cho người dân vùng đồng bào DTTS của Trung tâm.
Một buổi phổ biến pháp luật và TGPL cho người dân vùng đồng bào DTTS của Trung tâm.
 
Nâng cao công tác TGPL
 
Trong những năm gần đây, hoạt động TGPL trên địa bàn toàn tỉnh được triển khai thực hiện một cách sâu rộng và đạt được một số kết quả quan trọng, đáng khích lệ như: tổ chức thực hiện TGPL bước đầu được củng cố, kiện toàn; năng lực của người thực hiện TGPL được nâng lên, đáp ứng nhu cầu TGPL đa dạng cho người nghèo, đồng bào DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật.
 
Năm 2019, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lâm Đồng (Trung tâm) đã tổ chức 49 cuộc TGPL lưu động tại 46 xã và 3 trường học với 731 vụ việc, 731 đối tượng ở các huyện: Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Cát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh. Năm 2020, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên các kế hoạch tổ chức TGPL lưu động của Trung tâm được phân bổ lại theo kế hoạch đã định. 
6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm đã TGPL cho 6 đối tượng là đồng bào DTTS, trên các lĩnh vực tư vấn pháp luật hình sự; pháp luật hôn nhân, gia đình; tham gia tố tụng. 
 
Bà Hà Thị Điệp - Giám đốc Trung tâm cho biết: Để nâng cao công tác TGPL trong vùng đồng bào DTTS, thời gian tới Trung tâm chú trọng các vụ việc trợ giúp, tham gia tố tụng; đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, thực hiện các vụ việc đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp luật tiền tố tụng. Trung tâm cũng tiếp tục biên soạn, in ấn cấp phát tờ gấp pháp luật miễn phí tại các cơ quan tiến hành tố tụng, nhà tạm giữ, trại tạm giam, cơ sở khuyết tật, đối tượng thuộc diện TGPL... 
 
Còn bất cập trong hoạt động
 
Một vấn đề được đặt ra trong công tác TGPL ở tỉnh Lâm Đồng chính là “mỏi mắt” tìm cộng tác viên (CTV). Theo số liệu của Trung tâm thì hiện nay đội ngũ CTV chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặc dù từ tháng 6/2019, Trung tâm đã có công văn “nhờ” các huyện thành giới thiệu, tìm kiếm đội ngũ CTV nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả khả quan. 
 
Theo lý giải của Trung tâm thì do trong Luật TGPL sửa đổi (2017) tại Khoản 2 (Điều 24) yêu cầu CTV phải là người nghỉ hưu của các ngành bao gồm: thẩm phán, thẩm tra viên ngành tòa án, kiểm sát viên, kiểm tra viên ngành kiểm sát, điều tra viên, chấp hành viên, kiểm tra viên thi hành án dân sự, chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan Nhà nước và trợ giúp viên pháp lý ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phải căn cứ vào nhu cầu của người dân để được cấp thẻ CTV (Khoản 1). 
 
Hiện nay, Trung tâm có 2 chi nhánh tại Di Linh và Bảo Lộc. Ông Phạm Công Vân - Phó Giám đốc Trung tâm kiêm Trưởng Chi nhánh TGPL Nhà nước số 2 có trụ sở tại huyện Di Linh cho rằng, mặc dù chi nhánh đã tìm kiếm đội ngũ CTV nhưng hiện đội ngũ CTV của chi nhánh chỉ có 1 hoặc có thời điểm là 2 người. Nhiều người ở các xã muốn làm CTV nhưng không đủ điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 24 của Luật TGPL sửa đổi (2017). Còn ở Chi nhánh TGPL Nhà nước số 1 tại TP Bảo Lộc cũng rơi vào trường hợp tương tự. 
 
Mặt khác, để việc TGPL cho đồng bào DTTS được phổ biến cần phải tuyên truyền rộng rãi hơn về các đối tượng được TGPL miễn phí. Vì có nhiều trường hợp khi cán bộ Trung tâm giải thích, người dân mới hiểu ra rằng mình thuộc đối tượng được miễn phí TGPL. Chính vì vậy, nhiều vụ việc liên quan người dân chưa tìm đến Trung tâm hoặc gọi điện thoại để được TGPL, làm ảnh hưởng đến quyền lợi đối tượng được trợ giúp. Về vấn đề này, theo Trung tâm thì thời gian tới sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là trong đồng bào DTTS ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các trường hợp khác là đồng bào DTTS thuộc diện được TGPL. 
 
Có thể nói, hoạt động TGPL đã góp phần đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, làm tăng lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện chính sách TGPL tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh không những góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào DTTS mà còn trở thành một trong những nội dung quan trọng của chính sách xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
 
ĐỨC TÚ