Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9-2020 mà cán bộ, công chức và người lao động nên biết.
Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9-2020 mà cán bộ, công chức và người lao động nên biết.
1. Thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông
Nghị định 84/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ 01/9/2020) quy định thời gian nghỉ hè của nhà giáo được quy định cụ thể như sau:
- Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;
(Hiện hành, quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông là 2 tháng, bao gồm nghỉ phép hằng năm).
- Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
- Thời gian nghỉ hè hàng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
- Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của các đối tượng trên do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quyết định theo thẩm quyền.
Như vậy: Từ năm học 2020-2021 trở đi, thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông sẽ là 8 tuần thay vì 2 tháng như hiện nay; thời gian nghỉ hè của giáo viên mầm non vẫn giữ nguyên là 8 tuần.
2. Mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp không quá 800.000 đồng/người/lần
Theo đó, bắt đầu từ ngày 15-9-2020, Nghị định 88/2020/NĐ-CP ban hành ngày 28-7-2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, trong đó quy định hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp chính thức được thực hiện.
Cụ thể, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động (NLĐ) theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động (NLĐ) có đủ các điều kiện sau đây:
1- Có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.
2- Đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.Về mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp, mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm NLĐ khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800.000 đồng/người/lần khám.
Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi NLĐ là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
3. Chế độ làm việc của giảng viên đại học
Có hiệu lực thi hành từ 11-9-2020, Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học, trong đó bổ sung một số nội dung mới về định mức giờ chuẩn giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên.
Theo đó, Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT bổ sung quy định cụ thể thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính) để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác, được xác định theo năm học sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định.
Để phù hợp với năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học của mỗi giảng viên, chiến lược phát triển của mỗi nhà trường, tăng cường thực hiện quyền tự chủ của các trường, Thông tư cũng quy định linh hoạt định mức giờ chuẩn và nghiên cứu khoa học, giao thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào thực tế của đơn vị; mục tiêu, chiến lược phát triển nhà trường; đặc thù của môn học, ngành học để quyết định định mức giờ chuẩn của giảng viên trong một năm học cho phù hợp.
4. Bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức
Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BNV quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/9/2020.
Thông tư nêu rõ, bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức là việc bảo vệ công việc gắn với chức danh, chức vụ, vị trí việc làm của cán bộ, công chức; công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý của viên chức trong quá trình giải quyết tố cáo.
Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được người có thẩm quyền giải quyết tố cáo yêu cầu hoặc đề nghị thực hiện biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong trường hợp người tố cáo đó không thuộc thẩm quyền quản lý của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
(Theo nld.com.vn)