Lạc Dương: Hiệu quả đổi mới trợ giúp pháp lý cho vùng đồng bào DTTS

06:09, 11/09/2020

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn ở Lạc Dương đã tiếp cận và được hưởng chính sách phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước...

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại các xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn ở Lạc Dương đã tiếp cận và được hưởng chính sách phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước. Qua đó, góp phần thiết thực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, giữ vững, ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
 
Cộng tác viên pháp lý giải đáp, hỗ trợ người dân
Cộng tác viên pháp lý giải đáp, hỗ trợ người dân
 
Theo ông Nguyễn Duy Quốc - Trưởng phòng Tư pháp huyện Lạc Dương, hoạt động trợ giúp pháp lý được coi là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Tính nhân văn của chủ trương này là hoạt động trợ giúp pháp lý không chỉ góp phần đưa chủ trương, chính sách xóa đói, giảm nghèo về mặt pháp luật, đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, mà còn tạo ra cơ chế bảo đảm cho mọi công dân dù giàu hay nghèo đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tiếp cận với dịch vụ pháp lý như nhau trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường. 
 
Trong giai đoạn 2015 - 2020, Lạc Dương đã mở nhiều đợt trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách tại địa phương theo phương thức đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các chương trình, kế hoạch hàng năm của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương từng thời kỳ. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.
 
Đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Lạc Dương hiện nay gồm 14 người duy trì công tác trợ giúp pháp lý miễn phí tại trụ sở cơ quan và UBND các xã, thị trấn. Từ năm 2015 đến nay, Phòng Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức 21 đợt trợ giúp pháp lý, thu hút trên 1.219 người, trả lời trực tiếp 257 ý kiến và 166 đơn yêu cầu của người dân. Bên cạnh đó, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở, lồng ghép với hòa giải cơ sở, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, học tập tại cộng đồng được đẩy mạnh. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội khác tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; đổi mới, đa dạng hóa nội dung và hình thức đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Ưu tiên triển khai các nguồn lực cho đối tượng đặc thù (người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện chính sách, vùng sâu, vùng xa…).
 
“Cũng có những cuộc gọi vào sáng sớm hay lúc nửa đêm của bà con nhờ tư vấn, giúp đỡ những vấn đề, vướng mắc trong cuộc sống. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với tổ hòa giải ở các thôn để bám sát cơ sở, hướng dẫn giải quyết, hoặc trường hợp vượt quá khả năng tư vấn của cộng tác viên thì sẽ báo cáo lên cấp trên để kịp thời xử lý, giải quyết thắc mắc cho bà con. Điều đáng mừng là hiện nay, mỗi buổi tư vấn, tuyên truyền pháp luật đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo bà con. Điều đó chứng tỏ người dân đã quan tâm hơn đến pháp luật, mạnh dạn lắng nghe, đặt vấn đề ngay tại chỗ”, chị Phạm Thị Hạnh - cán bộ tư pháp hộ tịch kiêm cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở xã Lát chia sẻ. Theo ông Nguyễn Duy Quốc, so với trước đây, nhận thức cũng như khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS đã được cải thiện, chính vì vậy đời sống xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn cũng không có nhiều diễn biến phức tạp, không có nhiều mâu thuẫn, xung đột nghiêm trọng xảy ra trong cuộc sống. Đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý cũng đã kịp thời nắm bắt, hỗ trợ người dân, cùng bà con nghiên cứu những quy định của pháp luật và giải thích sao cho ngắn gọn, dễ hiểu trong những tình huống cụ thể, “ngứa chỗ nào gãi chỗ đó”. 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trợ giúp pháp lý ở Lạc Dương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Đội ngũ cộng tác viên pháp lý của huyện còn thiếu về số lượng, chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Chất lượng hoạt động của một số cộng tác viên chưa bảo đảm; thiếu cộng tác viên là luật sư; chưa thu hút được người có kiến thức, hiểu biết pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi, đòi hỏi cộng tác viên cập nhật, tìm hiểu, tra cứu liên tục để nắm chắc các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực. Trong khi đó, nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động trợ giúp pháp lý chưa có, chưa đảm bảo cho hoạt động của các cộng tác viên. Hệ thống pháp luật về trợ giúp pháp lý chưa đồng bộ, thống nhất với pháp luật tố tụng nên chưa tạo ra cơ chế phối hợp hoạt động trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, gây khó khăn trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
 
HỒNG THẮM