Trên thực tế, việc thực thi Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) hiện hành đến nay đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Vì vậy, việc lấy ý kiến Nhân dân để điều chỉnh, bổ sung là hết sức cần thiết.
Trên thực tế, việc thực thi Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) hiện hành đến nay đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Vì vậy, việc lấy ý kiến Nhân dân để điều chỉnh, bổ sung là hết sức cần thiết.
|
Đại biểu Hoàng Bình tham gia góp ý cho Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính |
Có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đánh giá, tổng kết làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền trong công tác xử lý VPHC thời gian qua; làm rõ những bất cập của các quy định và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện quy định của dự thảo luật.
Về bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC (bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 86 của Luật XLVPHC): Một số ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ nhất, đề nghị bổ sung quy định biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm” là biện pháp cưỡng chế thi hành nhưng cần bổ sung quy định chặt chẽ các điều kiện, thủ tục và thẩm quyền áp dụng biện pháp này. Một số ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ hai, đề nghị quy định biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm” là biện pháp ngăn chặn để bảo đảm đúng bản chất, góp phần kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm nhưng cần bổ sung quy định “việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước không làm ảnh hưởng đến lợi ích, hoạt động bình thường của cá nhân, tổ chức không liên quan đến hành vi vi phạm”.
Về nội dung này, đại biểu Hoàng Thị Khiêm - thành viên Tổ tư vấn pháp luật của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lâm Đồng cho rằng: Đối với Điều 86, khoản 1, thống nhất với phương án 1 là Bổ sung biện pháp cưỡng chế đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh dịch vụ; đó là bổ sung thêm việc “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước…”. Vì hiện nay tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này tương đối nhiều, nhưng việc xử lý hiệu quả chưa cao; trong đó, có việc quy định của pháp luật chưa đầy đủ, nên người vi phạm “nhờn” và tiếp tục vi phạm, không thực hiện biện pháp cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, việc bổ sung biện pháp này góp phần tạo hiệu lực cao hơn cho công tác cưỡng chế vi phạm, nhằm ngăn chặn tối đa việc tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, thiết lập lại trật tự quản lý nhà nước đã bị xâm hại; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, đảm bảo trật tự, kỷ cương hành chính nhà nước. Thông qua biện pháp này, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như: điện, nước… trong hoạt động phối hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội nói chung. Đề nghị xem xét để sửa đổi, bổ sung hợp lý hơn.
Về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy: Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện hiệu quả của các biện pháp cai nghiện theo quy định của Luật XLVPHC và Luật Phòng, chống ma túy theo đúng quy định của Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị, làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung; bổ sung đánh giá tác động của việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng để cai nghiện ma túy và mở rộng đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Có ý kiến đề nghị trong Luật này chỉ quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy, còn trường hợp nào và bị áp dụng biện pháp cai nghiện gì (bao gồm cả biện pháp hành chính) thì quy định tổng thể trong Luật Phòng, chống ma túy, Luật XLVPHC sẽ dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy...
Đại biểu Hoàng Bình - thành viên Tổ tư vấn pháp luật của Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý: Quy định cứng thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính kể từ khi phát hiện hành vi vi phạm là 24 và 48 giờ trong khoản 1, Điều 58 như dự thảo luật, sẽ gây khó khăn cho người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong việc xác minh hành vi và đối tượng vi phạm, cũng như công tác củng cố hồ sơ để chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt. Đề nghị vấn đề này cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước, thì sẽ linh hoạt và phù hợp hơn là quy định cứng trong Luật...
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định mức tiền phạt tối đa trong một số lĩnh vực mới chưa được Luật XLVPHC quy định như an ninh mạng, kiểm toán nhà nước, kinh doanh theo phương thức đa cấp, xuất cảnh, nhập cảnh... Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật đã bổ sung quy định mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực an ninh mạng bên cạnh lĩnh vực an toàn thông tin mạng để đồng bộ với Luật An ninh mạng. Đồng thời, bổ sung mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước để thống nhất với Luật Kiểm toán nhà nước; bổ sung mức tiền phạt tối đa đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng làm cơ sở để quy định mức tiền phạt cụ thể cho từng hành vi vi phạm hành chính, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính. Đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy kinh doanh theo phương thức đa cấp là một hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại đã được quy định mức tiền phạt tối đa là 100 triệu đồng; hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thuộc lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội đã được quy định mức phạt tiền tối đa là 40 triệu đồng; do vậy, xin không bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa đối với 2 lĩnh vực này.
NGUYỆT THU