Chính thức bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022

11:10, 25/10/2020

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo Nghị định này, khi bán hàng hóa dịch vụ bắt buộc phải xuất hóa đơn và hóa đơn giấy chính thức khai tử từ ngày 1/7/2022. Tức là, kể từ ngày 1/7/2022 bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn giấy đang áp dụng hiện nay sẽ chỉ được thực hiện đến 30/6/2022.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo Nghị định này, khi bán hàng hóa dịch vụ bắt buộc phải xuất hóa đơn và hóa đơn giấy chính thức khai tử từ ngày 1/7/2022. Tức là, kể từ ngày 1/7/2022 bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn giấy đang áp dụng hiện nay sẽ chỉ được thực hiện đến 30/6/2022.
 
Theo quy định của Nghị định 123, việc áp dụng hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phải đảm bảo các nguyên tắc: Thứ nhất, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất. Trên hóa đơn phải ghi đầy đủ nội dung, từ ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu hóa đơn, định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định. Thứ hai, khi khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, khi thu thuế, phí, lệ phí, tổ chức khấu trừ thuế, tổ chức thu phí, lệ phí, tổ chức thu thuế phải lập chứng từ khấu trừ thuế, biên lai thu thuế, phí, lệ phí giao cho người có thu nhập bị khấu trừ thuế, người nộp thuế, nộp phí, lệ phí phải ghi đầy đủ các nội dung theo quy định. Thứ ba, khi sử dụng hóa đơn, biên lai, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh, tổ chức thu thuế, phí, lệ phí phải thực hiện đăng ký sử dụng với cơ quan thuế, hoặc thực hiện thông báo phát hành theo quy định. Đối với hóa đơn, biên lai do cơ quan thuế đặt in, cơ quan thuế thực hiện thông báo phát hành theo quy định. Thứ tư, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh trong quá trình sử dụng phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn mua của cơ quan thuế, báo cáo tình hình sử dụng biên lai đặt in, tự in, hoặc biên lai mua của cơ quan thuế theo quy định. Thứ năm, người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được ủy nhiệm bởi bên thứ 3 lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được ủy nhiệm cho bên thứ 3 lập vẫn phải thể hiện tên đơn vị bán là bên ủy nhiệm. 
 
Do Nghị định 123 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2022, nên doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, hoặc đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày Nghị định này ban hành vẫn tiếp tục được sử dụng đến 30/6/2022 và thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ.
 
Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập trong thời gian từ ngày nghị định này được ban hành đến ngày 30/6/2022, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định của nghị định này thì cơ sở kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Trường hợp cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng về điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, mà tiếp tục áp dụng hóa đơn giấy thì thực hiện như các cơ sở kinh doanh theo quy định tại Nghị định 51 và Nghị định 04 của Chính phủ.
 
PHẠM LÊ