(LĐ online) - Vừa qua, trên mạng xã hội Facebook lan truyền bài viết có nội dung "có một em bé tên Dương Nguyên Văn (hoặc Nguyễn Văn Dương), lúc nhỏ bị bắt cóc, lừa bán sang Trung Quốc nhiều năm, đến nay thì khoảng 10 tuổi, mới được giải cứu về Việt Nam...
(LĐ online) - Vừa qua, trên mạng xã hội Facebook lan truyền bài viết có nội dung “có một em bé tên Dương Nguyên Văn (hoặc Nguyễn Văn Dương), lúc nhỏ bị bắt cóc, lừa bán sang Trung Quốc nhiều năm, đến nay thì khoảng 10 tuổi, mới được giải cứu về Việt Nam. Hiện nay, cháu bé không nhớ quê quán cụ thể, chỉ nhớ quê ở Đà Lạt, đang được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội Hà Nội, hiện đang mong muốn tìm lại người thân. Thông tin chi tiết liên hệ ông Trần Ánh Sao, số điện thoại: 0983.xxx” và hình ảnh một bé trai. Đây là thông tin được Công an tỉnh Lâm Đồng khẳng định là thông tin giả.
|
Hình ảnh, nội dung cắt dán về trường hợp em bé bị bắt cóc, mới được giải cứu được xác định là thông tin giả |
Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng, đáng chú ý, nội dung lan truyền nêu trên được gán ghép với vụ việc ông Lương Thế Huynh (ngụ tại xã Tà Nung, TP Đà Lạt) tìm kiếm con trai mất tích trong nhiều năm qua nhưng chưa thấy (cháu Lương Thế Vương; sinh năm: 2012; mất tích vào ngày 21/6/2015) và cho rằng có sự liên quan đến sự việc nhà ông Lương Thế Huynh và kêu gọi mọi người chia sẻ để cháu bé được đoàn tụ với gia đình.
Sau khi đăng tải, bài viết trên nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên các trang Fanpage, hội, nhóm mạng xã hội Facebook liên quan đến địa bàn tỉnh Lâm Đồng, thu hút sự quan tâm của dư luận với mong muốn giúp cháu bé tìm lại gia đình.
Tuy nhiên, qua xác minh, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng xác định: Vào năm 2019, ông Trần Ánh Sao (trú tại TP Hà Nội) có đăng tải bài viết tìm người thân cho một cháu bé khác, phía dưới bài viết có để lại thông tin số điện thoại của ông Sao; sau đó, cháu bé nêu trên đã tìm được người thân. Bản thân ông Sao không đăng tải bất kỳ bài viết nào về việc tìm người thân cho bé trai tên Dương Nguyên Văn (hoặc Nguyễn Văn Dương) như thông tin, hình ảnh lan truyền hiện nay.
Ngoài ra, khi liên hệ với Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4 (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) đã xác nhận là không có cháu bé nào như hình ảnh và thông tin trong bài viết nêu trên. Đồng thời, ngày 16/7/2021, trang báo điện tử vov.vn của Đài tiếng nói Việt Nam đã đưa tin về vụ việc, khẳng định hình ảnh bé trai 10 tuổi bị bán sang Trung Quốc lan truyền trên mạng là “ảnh chế”.
Do đó, thông tin, hình ảnh “bé trai 10 tuổi, tên Dương Nguyên Văn (hoặc Nguyễn Văn Dương), bị bán sang Trung Quốc, mới được giải cứu về Việt Nam, hiện đang tìm người thân tại TP Đà Lạt” là sai sự thật, có tính chất câu view, câu like nhằm mục đích xấu.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo việc chia sẻ, đưa tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP; xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật hình sự 2015 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, mỗi người dân cần tỉnh táo, sáng suốt khi tiếp nhận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, tuyệt đối không chia sẻ thông tin không rõ nguồn gốc, thông tin sai sự thật. Thực hiện thông điệp “5K” khi sử dụng mạng xã hội (không vội like, vội “share”, không thêm thắt, không kích động).
C.PHONG