Nỗ lực tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông

06:09, 07/09/2022
Những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Theo thống kê, số vụ vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ có chiều hướng giảm qua các năm trên các tiêu chí. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra những vụ tai nạn giao thông ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và hạnh phúc của người dân.
 
CSGT Công an tỉnh tặng mũ bảo hiểm cho người dân
CSGT Công an tỉnh tặng mũ bảo hiểm cho người dân
 
Theo đánh giá dựa vào thông kê của các cơ quan chức năng cho thấy, lỗi gây ra tai nạn giao thông (TNGT) chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân còn hạn chế, trong đó các lỗi thường gây tai nạn giao thông là đi không đúng phần đường, làn đường; sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông…
 
Có thể thấy rằng, các lỗi chính gây tai nạn giao thông được chỉ ra suốt nhiều năm nay đã được đề cập ở trên đều xuất phát từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông. TNGT là điều không ai mong muốn nhưng thực tế cho thấy tai nạn giao thông lại có thể xảy ra với bất kì ai, vào bất kỳ thời điểm nào, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay địa vị xã hội và thường để lại nhiều hệ lụy nặng nề đối với cả bản thân, gia đình và cả xã hội. Trong các nguyên nhân xảy ra TNGT trên địa bàn tỉnh thời gian qua, theo phân tích đánh giá dựa vào các số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, thì nguyên nhân cơ bản vẫn là sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông. 
 
Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh Lâm Đồng thời gia qua là một trong những đơn vị chủ lực, đi đầu trong việc chủ động xây dựng các giải pháp, kế hoạch cũng như những phần việc cụ thể, phù hợp với thực trạng của tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và kết cấu hạ tầng của địa phương đã làm tốt công tác tham mưu và trực tiếp thực hiện các kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Phòng còn phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và các đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức giáo dục nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, tài xế bằng những việc làm nhân văn, hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao.
 
Điểm nổi bật nhất trong chuỗi hoạt động tuyên truyền của lực lượng CSGT Công an tỉnh phải kể đến các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về TTATGT. Các cán bộ Đội Tuyên truyền thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh hàng tháng, hàng quý đều có các kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau như phối hợp với các lực lượng khác của Công an tỉnh tổ chức các chuyến về các địa phương, xã, thôn tổ chức vận động, tuyên truyền; phối hợp với các đơn vị kinh doanh xe gắn máy, ô tô, các đơn vị vận tải tổ chức các đợt thông tin về tình hình TTATGT và vận động, tuyên truyền người dân chấp hành Luật Giao thông, nâng cao ý thức và văn hoá khi tham gia giao thông; phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức các đợt tìm hiểu về Luật An toàn giao thông, tuyên truyền về Luật Giao thông, văn hoá giao thông bằng nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn.
 
Các chiến sỹ Phòng CSGT Công an tỉnh còn tổ chức vận động xã hội hoá để mua áo phao, mũ bảo hiểm, thiết kế các tờ rơi, các móc khoá có in các câu khẩu hiệu về an toàn giao thông, về Luật Giao thông đường bộ để tặng cho người dân thông qua các hoạt động tuyên truyền pháp luật giao thông cho học sinh, sinh viên, người dân...
 
Ngoài ra, Đội Tuyên truyền của Phòng CSGT Công an tỉnh còn tham mưu Lãnh đạo Phòng và trực tiếp xây dựng, triển khai thực hiện kịp thời các mô hình tuyên truyền thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Những hoạt động của đơn vị được đánh giá mang lại nhiều kết quả, tạo hiệu ứng sâu rộng trong cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
 
Những nỗ lực của Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông nói riêng và cán bộ chiến sĩ Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh nói chung đã và đang đóng góp vào việc giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của người dân. Tuy nhiên, để góp phần kìm chế, kéo giảm các vụ việc và các thiệt hại do TNGT gây ra và hình thành văn hoá giao thông, việc đẩy mạnh các hoạt động nhằm xây dựng và hình thành nếp văn hóa khi tham gia giao thông, nâng cao ý thức tham gia giao thông của mỗi người dân là vô cùng cấp bách và có ý nghĩa quan trọng. Việc này đòi hỏi phải bền bỉ, lâu dài, và đặc biệt là cần phải có sự chung tay cùng vào cuộc của không chỉ mỗi cá nhân, mà cần sự tham gia tích cực của các gia đình, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội. 
 
NGUYỄN NGHĨA