Cấp cao ASEAN 22: Sức ép từ những mục tiêu lớn

03:05, 02/05/2013

Hội nghị cấp cao 22 của ASEAN, hội nghị cấp cao đầu tiên trong năm 2013 vừa diễn ra tại thủ đô Banda Seri Begawan (Brunei).

Hội nghị cấp cao 22 của ASEAN, hội nghị cấp cao đầu tiên trong năm 2013 vừa diễn ra tại thủ đô Banda Seri Begawan (Brunei).

Hội nghị cấp cao 22 của ASEAN
Hội nghị cấp cao 22 của ASEAN


Với chủ đề: “Người dân của chúng ta, tương lai của chúng ta”, tại hội nghị cấp cao 22 lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra một loạt các mục tiêu có tính định hướng đến năm 2015 và sau đó như: đẩy nhanh tiến độ xây dựng cộng đồng ASEAN với hạn mốc là 31-12-2015; sớm kết thúc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc vào cuối năm nay; phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong các vấn đề quan trọng của khu vực… Chính những mục tiêu trên đang đặt ra cho các nước ASEAN áp lực không hề nhỏ.

Trước hết đó là áp lực về thời gian. Để có thể định hình cả ba cộng đồng an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội vào cuối năm 2015, hiện thành viên ASEAN vẫn còn quá nhiều việc phải hoàn tất mà thời gian chưa đầy ba năm dường như là quá ít ỏi. Hầu hết những nhiệm vụ trong thời gian tới lại không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào nỗ lực của từng thành viên ASEAN mà còn cả những đối tác bên ngoài Hiệp hội.

Áp lực tiếp theo đến từ chính những nội dung của các nhiệm vụ phải hoàn thành. Đơn cử như đối với việc hình thành cộng đồng kinh tế (AEC), được coi là dễ thực hiện hơn so với hai cộng đồng an ninh và văn hóa – xã hội.

Theo tuyên bố của chủ tịch ASEAN, nước chủ nhà Brunei, kể từ thời điểm khởi xướng năm 2007, ASEAN đã vượt qua một chặng đường dài, 77,57% nội dung công việc trong kế hoạch thành lập AEC đã được hoàn tất (như thu nhập bình quân đầu người trong khu vực đã tăng tương ứng 15,1% mỗi năm, số lượng các mặt hàng được dỡ bỏ hàng rào quan thuế và phi quan thuế tăng đáng kể v.v.). Tuy nhiên, do chênh lệch trình độ phát triển giữa hai nhóm nước thành viên cũ ban đầu và nhóm thành viên mới là không nhỏ, nên trong một thời gian ngắn để tạo ra một thị trường thống nhất là rất khó.

Hơn thế, sau ba năm nếu ASEAN có tạo ra được một thị trường thống nhất thì thị trường này sẽ hoạt động ra sao trong bối cảnh sự khác biệt trong đóng góp của các thành viên vào thị trường này rất khác biệt. Bài học đắt giá của mô hình EU cho thấy, một thị trường thống nhất từ các nền kinh tế có sự chênh lệch lớn thật sự là con dao hai lưỡi đối với thịnh vượng của tất cả thành viên.

Đặc biệt, quyết định của hội nghị ASEAN 22 về việc “tăng tốc” các cuộc đàm phán để có thể kết thúc vào cuối năm 2015 về việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chắc chắn sẽ tạo ra một áp lực ghê gớm với các thành viên ASEAN. Thực chất RCEP là nỗ lực của ASEAN nhằm xâu chuỗi các khu vực mậu dịch tự do (FTA) giữa ASEAN với từng đối tác riêng rẽ, trước hết là với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Trong số các mục tiêu an ninh của hội nghị cấp cao 22 thì việc các nhà lãnh đạo ASEAN đặt quyết tâm thúc đẩy nhanh đàm phán ASEAN – Trung Quốc về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhân dịp lễ kỷ niệm 10 năm thành lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc (2003 – 2013) chắc chắn là một nhiệm vụ khó khăn với tất cả các thành viên ASEAN, đặc biệt là những thành viên không liên quan trực tiếp tới tranh chấp trên biển Đông. Hơn nữa, để thực hiện nhiệm vụ này còn phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, bởi cho đến thời điểm này vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy Trung Quốc có sự thay đổi về lập trường chỉ chấp nhận đàm phán riêng rẽ với từng bên (thành viên ASEAN) tranh chấp.

Nhìn chung, tình hình khu vực hiện nay đang tạo ra áp lực tổng thể lên quá trình thực hiện các mục tiêu của Hội nghị cấp cao ASEAN 22. Từ cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên cho tới các vấn đề dịch bệnh (cúm gà H5N1 hay H7N9) đang tạo ra những xáo trộn về cả phương diện kinh tế, an ninh lẫn văn hóa, xã hội trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đương nhiên, những biến động này có những tác động theo cả hai chiều thuận và nghịch tới ASEAN, nhưng với các mục tiêu nêu trên thì dường như mặt nghịch đang chiếm ưu thế.

Tuy có rất nhiều trở ngại, thách thức như vậy, nhưng tiến trình của hội nghị cấp cao ASEAN 22 cũng cho thấy những mục tiêu được các nhà lãnh đạo Hiệp hội vạch ra là hoàn toàn có cơ sở, là kết quả của nhận thức lý trí. Ngoài quyết tâm chung rất cao của các thành viên, tại Hội nghị cấp cao 22 các thành viên của ASEAN còn đạt được sự đoàn kết cao trong hầu hết mọi vấn đề, kể cả các vấn đề an ninh nhạy cảm như vấn đề biển Đông.

(Theo Nhân Dân)