Sách Trắng Quốc Phòng Nhật Bản: Đâu là điểm nhấn?

09:07, 11/07/2013

Ngày 9-7, Nhật Bản đã công bố Sách Trắng Quốc phòng năm 2013 gồm 450 trang. Đây là Sách Trắng Quốc phòng đầu tiên được ban hành dưới thời chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, một số điểm nhấn quan trọng được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.

Ngày 9-7, Nhật Bản đã công bố Sách Trắng Quốc phòng năm 2013 gồm 450 trang. Đây là Sách Trắng Quốc phòng đầu tiên được ban hành dưới thời chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, một số điểm nhấn quan trọng được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.

Thủ tướng Shinzo Abe: Nhật Bản cần phải nghiên cứu khả năng phát triển năng lực tấn công quân sự vào các căn cứ của kẻ thù
Thủ tướng Shinzo Abe: Nhật Bản cần phải nghiên cứu khả năng phát triển năng lực tấn công quân sự vào các căn cứ của kẻ thù


Các mối đe dọa

Sách Trắng Quốc Phòng Nhật Bản năm 2013, nhấn mạnh những nguy cơ tiềm ẩn mà Tokyo phải sẵn sàng đối phó, đó là việc gia tăng các hoạt động hàng hải ở mức nguy hiểm của một số nước, nhất là việc xâm phạm vùng biển và vùng trời của Nhật Bản.

Sách Trắng Quốc Phòng cũng chỉ ra một số hoạt động thiếu sự hợp tác và không tôn trọng sự thật sau vụ tàu chiến Nhật - Trung va chạm hồi đầu năm 2013, đồng thời hối thúc các bên cần hành động theo luật pháp quốc tế, thay vì sử dụng vũ lực.

Sách Trắng Quốc Phòng còn bày tỏ lo ngại về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên, cho rằng Chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng đã phát triển đến mức có thể vươn tới nước Mỹ là minh chứng cho thấy sự quan ngại của Tokyo là có cơ sở.

Đồng minh và đối tác

Sách Trắng Quốc Phòng tiếp tục nhấn mạnh quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ có vai trò thiết yếu, nhất là việc triển khai máy bay Osprey MV-22 ở Okinawa sẽ góp phần đem lại hòa bình, ổn định trong khu vực. Việc Tokyo cho phép các công ty trong nước tham gia sản xuất linh kiện máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ là có ý nghĩa lớn vừa giúp bảo vệ, duy trì, phát triển công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản vừa giúp tăng cường liên minh Nhật - Mỹ thông qua hợp tác công nghệ quân sự.

Cũng theo Sách Trắng Quốc Phòng, trên cơ sở trụ cột chính là mối quan hệ Nhật – Mỹ, Tokyo còn mở rộng sang các nước lân cận trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, ASEAN…

Lực lượng tấn công

Sách Trắng Quốc Phòng cũng cho biết chính phủ của Thủ tướng Abe đang lên kế hoạch biên soạn các nguyên tắc chỉ đạo trong lĩnh vực quốc phòng nhằm đưa ra định hướng dài hạn cho lĩnh vực này vào cuối năm nay, đồng thời xem xét khả năng cho phép Nhật Bản tấn công ngăn chặn trong trường hợp phải đối mặt với đe dọa về tên lửa đạn đạo.

Trước đó, ngày 11-6, Thủ tướng Shinzo Abe đã cho biết, Nhật Bản cần phải nghiên cứu khả năng phát triển năng lực tấn công quân sự vào các căn cứ của kẻ thù. Ông Abe đã đưa ra phát biểu trên khi trả lời các đề xuất do giới nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Tự do trình lên nhằm củng cố các năng lực của quân đội nước này.

Ông Abe khẳng định, vấn đề phát triển năng lực quân sự của Nhật Bản là vô cùng quan trọng và vì thế nó sẽ được đưa ra thảo luận khi chính phủ Nhật Bản phác thảo chương trình quốc phòng dài hạn vào cuối năm 2013.

Trong đề xuất của các nghị sĩ Quốc hội cũng đề cập đến việc củng cố năng lực của Nhật Bản trong việc bảo vệ các quần đảo. Các nghị sĩ Nhật Bản còn kêu gọi thông qua việc để nước này có thể thực hiện quyền phòng thủ tập thể.

Mới đây Nhật Bản đã lên kế hoạch tiến hành đợt tăng quân lớn nhất trong vòng hai thập kỷ qua. Bước đi này được Nhật Bản tuyên bố là để tăng cường và củng cố vững chắc các hoạt động giám sát ở khu vực Tây Nam đất nước. Thủ tướng Shinzo Abe hiện đang đề xuất thay đổi Hiến pháp để dỡ bỏ các hạn chế về tác chiến bên ngoài lãnh thổ của quân đội Nhật Bản.

Vấn đề gây quan ngại

Chỉ vài giờ sau khi Sách Trắng Quốc Phòng Nhật được công bố, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tại Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách “tố cáo” Tokyo đã đưa ra những cáo buộc không có cơ sở nhằm chống lại Bắc kinh. Bà Hoa cho rằng, “Nhật Bản gần đây đã phóng đại mối đe dọa từ Trung Quốc, gây căng thẳng và đối đầu”.

Cùng ngày, Hàn Quốc cũng lên tiếng chỉ trích Sách Trắng Quốc Phòng Nhật Bản là đã khẳng định chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp giữa hai nước Takeshima/Dokdo.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Hàn Quốc, Cho Tai-young nói: “Chính phủ chúng tôi kịch liệt phản đối việc Nhật Bản đưa tuyên bố chủ quyền đối với Dokdo, lãnh thổ không thể tách rời của chúng tôi, vào Sách Trắng Quốc Phòng 2013”. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu phó Đại sứ Nhật Bản Takashi Kura tại Seoul đến để trao công hàm phản đối.

Như vậy, với việc xác định nguy cơ hạt nhân và tranh chấp lãnh hải trong khu vực là hai vấn đề trọng tâm trong chiến lược quốc phòng nên Sách Trắng Quốc Phòng Nhật Bản đã nhấn mạnh đến việc ngăn chặn các nguy cơ nói trên. Tuy nhiên, trước đó trong một diễn biến khác, Nhật Bản tuyên bố sẽ kiềm chế không để các tranh chấp chủ quyền lãnh hải nhỏ trở thành các xung đột quân sự.

(Theo báo Nhân Dân)