Trong bối cảnh các đảng cực hữu và hoài nghi đồng tiền chung châu Âu giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu (EP) vừa qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 26/5 kêu gọi kiềm chế quyền hạn của EU.
Trong bối cảnh các đảng cực hữu và hoài nghi đồng tiền chung châu Âu giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu (EP) vừa qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 26/5 kêu gọi kiềm chế quyền hạn của EU.
|
Người dân EU đi bỏ phiếu. (Nguồn: Reuters) |
Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình cả nước, Tổng thống Hollande cho rằng EU cần giảm bớt vai trò mà theo ông là đã trở nên "xa lạ và khó hiểu" đối với nhiều công dân EU, đồng thời kêu gọi xây dựng một EU đơn giản, rõ ràng và hiệu quả.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp được đưa ra sau khi đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) thắng lớn tại Pháp với tỷ lệ ủng hộ lên tới 25%, còn đảng Xã hội (PS) cầm quyền của ông Hollande chỉ được chưa đầy 15% số phiếu.
Thủ tướng Anh David Cameron qua tổ hợp truyền thông BBC kêu gọi lãnh đạo EU tận dụng cuộc họp không chính thức của Hội đồng EU, diễn ra trong ngày 27/5, để bày tỏ quan điểm rằng EU cần thay đổi và không thể hoạt động như hiện nay.
Ông Cameron nhấn mạnh tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu và kết quả bầu cử cho thấy nhu cầu cấp thiết cần tiến hành cải tổ nhằm đảm bảo EU hành động nhiều hơn để đáp ứng mong mỏi của cử tri về việc làm, tăng trưởng và một tương lai tươi sáng hơn.
Mặc dù liên đảng bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel giành chiến thắng trong cuộc bầu cử EP tại Đức, nhà lãnh đạo này trong cuộc điện đàm với ông Cameron cũng tỏ ý lấy làm tiếc về kết quả bầu cử, đồng thời khẳng định điều quan trọng hiện nay là phải giành lại những cử tri hoài nghi EU.
Theo bà Merkel, một chính sách tập trung vào cạnh tranh, tăng trưởng và việc làm là phương án tốt nhất giải tỏa nỗi thất vọng của những cử tri đã bỏ phiếu cho các đảng hoài nghi EU.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls tán đồng quan điểm với bà Merkel khi nói rằng châu Âu cần định hướng lại để tăng cường thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, điều mà tổ chức này chưa làm được trong những năm qua.
Theo kết quả bầu cử EP, các đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu giành 213 trong tổng số 751 ghế EP, các đảng Xã hội giành 190 ghế và các đảng tự do ALDE giành 64 thế, tiếp đến là đảng Xanh với 53 ghế.
Theo giới phân tích, phe chống EU đã giành đủ tiếng nói trong EP mới để thực hiện cam kết làm suy yếu EU từ bên trong, song cần lôi kéo được ít nhất 25 nghị sĩ từ tối thiểu 7 nước thành viên EU mới đủ tiêu chí thành lập một khối chính thức trong nghị viện.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso ngày 26/5 tuyên bố công dân trong toàn EU đã thực hiện quyền dân chủ và thể hiện tiếng nói của mình trong cuộc bầu cử EP. Ông cảm ơn các cử tri đã tham gia bỏ phiếu.
Ông Barroso cho rằng kết quả bầu cử khác biệt đáng kể giữa các nước EU phản ánh sự cạnh tranh tiến bộ trong những cuộc tranh luận chính trị với chương trình cụ thể ở các quốc gia thành viên EU. Kết quả này buộc lãnh đạo chính trị ở cấp quốc gia và trong EU phải suy nghĩ về trách nhiệm mình, đồng thời cho thấy EU đã chiến thắng một lần nữa sau chiến thắng trong cuộc chiến đối phó với khủng hoảng tài chính, kinh tế và xã hội được xem là lớn nhất trong thế kỷ XXI.
Ông Barroso nêu rõ các nghị sĩ đại diện các quốc gia EU trong EP nhiệm kỳ mới đều có đủ khả năng và trí tuệ để hoàn thành nhiệm vụ của EP trong tương lai và sức mạnh chính trị của EP sẽ được phát huy khi tìm được sự đồng thuận.
Ông Barroso còn cho rằng EP sẽ đóng vai trò trụ cột cho một EU thống nhất mở rộng phát triển mạnh hơn, đồng thời nhấn mạnh EP và Ủy ban châu Âu (EC) cần xác định và thống nhất các hành động chính trị vì tăng trưởng, việc làm và dân chủ thực sự./.
(Theo Vietnam+)