Cơ quan Xúc tiến Kinh tế số Thái Lan (DEPA) vừa đưa ra dự báo trong vòng 5 năm tới, ngành nông nghiệp nước này sẽ phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao, hay còn gọi là Nông nghiệp 2.0 và 3.0, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và giá thành thiết bị hạ thấp.
Nông dân sử dụng máy gặt liên hợp tại một cánh đồng ở tỉnh Suphan Buri, Thái Lan |
Cơ quan này cho biết, thuật ngữ Nông nghiệp 2.0 được dùng để chỉ việc áp dụng máy móc, các thiết bị cảm biến và công cụ kỹ thuật số cũng như áp dụng sơ bộ hệ thống quản lý để xử lý các giao dịch thương mại điện tử. Còn với Nông nghiệp 3.0, người nông dân sẽ sử dụng các thiết bị máy móc được trang bị các cảm biến và thiết bị kỹ thuật số kèm theo các phần mềm nhất định, có thể cho phép thu thập và truyền dữ liệu trực tuyến. Trong khi đó, thuật ngữ Nông nghiệp 1.0 chỉ việc làm nông nghiệp mà không áp dụng công nghệ hoặc công cụ kỹ thuật số.
Kết quả một cuộc khảo sát về việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp ở Thái Lan được DEPA thực hiện năm 2021 cho thấy, ngành nông nghiệp nước này vẫn chỉ dừng ở giai đoạn Nông nghiệp 1.0 và 2.0. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm tới, dự báo sẽ có thêm nhiều công nghệ được đưa vào ứng dụng trong tất cả các giai đoạn sản xuất của ngành nông nghiệp Thái Lan.
Phó Chủ tịch DEPA Kasititorn Pooparadai cho biết, cuộc khảo sát được tiến hành nhằm đánh giá khả năng của người nông dân Thái Lan trong việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số và sáng tạo trong nông nghiệp đồng thời để đo lường khả năng áp dụng các công nghệ kỹ thuật số của Thái Lan trong nhiều hoạt động như phân loại nguyên liệu thô, quá trình sản xuất, quan hệ khách hàng và quản lý kinh doanh.
Lãnh đạo Phòng Chiến lược và Chính sách Trí tuệ Kỹ thuật số của DEPA, bà Ratchanee Iemthanon cho hay mức độ tập trung của việc sử dụng công nghệ rơi vào mức Nông nghiệp 1.0 và 2.0 trong mọi bước sản xuất. Theo bà, những người không áp dụng công nghệ là một số ít các nông dân thiếu kiến thức về công nghệ, bởi vậy họ không nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ trong nông nghiệp. Những thế hệ nông dân mới và những người có liên quan tới nông nghiệp theo hợp đồng là những nhóm tích cực sử dụng công nghệ.
Bà Ratchanee đưa ra nhận định, trong những năm tới, các công nghệ kỹ thuật số sẽ dần được ứng dụng nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp nhờ giá thành các phần cứng liên quan giảm xuống. Bên cạnh đó, chính phủ Thái Lan cũng đang tìm cách nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ cho những người làm nông, từ đó giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp tiến theo hướng Nông nghiệp 2.0 và 3.0 trong vòng 5 năm tới.
Ngoài ra, DEPA cũng sẵn sàng hỗ trợ người nông dân trong việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số chất lượng vào hoạt động canh tác để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, tăng sản lượng và thu nhập đồng thời thúc đẩy ngành nông nghiệp Thái Lan hướng tới Nông nghiệp 4.0, đưa công nghệ cao trở thành cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp.
(Theo nhandan.com.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin