Theo TTXVN, đông đảo đại diện các nước thành viên Liên hợp quốc đã tham gia thảo luận tại Ðại hội đồng về vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một trong những chủ đề thảo luận hằng năm được quan tâm hàng đầu tại Liên hợp quốc. Các nước cũng hoan nghênh Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đã sớm chỉ định Ðồng Chủ tọa mới cho tiến trình đàm phán liên chính phủ để thúc đẩy thảo luận về vấn đề này.
|
Ðại sứ Ðặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: baoquocte.vn |
Ðại sứ Ðặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định Việt Nam nhất quán ủng hộ cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để cơ quan này ứng phó tốt hơn đối với các thách thức toàn cầu. Ðại sứ Việt Nam cho rằng trong những năm qua, Hội đồng Bảo an đã thực hiện nhiều nỗ lực hành động trước các thách thức, duy trì khối lượng công việc lớn kể cả trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo Ðại sứ Ðặng Hoàng Giang, tình hình quốc tế thời gian qua cho thấy việc cải tổ Hội đồng Bảo an ngày càng cấp bách. Ðể làm được điều này, cần mở rộng cả số thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an, bảo đảm sự đại diện công bằng cho các nhóm khu vực, nhất là đối với các nhóm nước chưa có đại diện hoặc ít đại diện, nhất là các nước đang phát triển.
Bên cạnh việc mở rộng thành viên, Ðại sứ cũng cho rằng cần cải tiến phương pháp làm việc của cơ quan này, trong đó cần giới hạn việc sử dụng quyền phủ quyết trong phạm vi các biện pháp được quy định tại Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc. Ðại diện Việt Nam nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, Hội đồng Bảo an cũng cần tăng cường thảo luận, quyết sách về các vấn đề an ninh mới đang nổi lên, trực tiếp đe dọa trực tiếp đến hòa bình và an ninh quốc tế, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu.
Kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập năm 1945, thành phần Hội đồng Bảo an đã được mở rộng một lần năm 1965 với số lượng thành viên không thường trực tăng từ 6 lên 10 nước. Năm 1992, Ðại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về "Vấn đề đại diện công bằng và gia tăng thành viên của Hội đồng Bảo an và các vấn đề liên quan khác". Từ năm 2008, hằng năm các nước cũng thảo luận về chủ đề này theo cơ chế tiến trình đàm phán liên chính phủ.
(Theo nhandan.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin