Điện Kremlin đã đưa ra cảnh báo trước tiết lộ của Thủ tướng Hungary rằng EU chuẩn bị thảo luận việc triển khai "một số loại lực lượng" tới Ukraine.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Kazakh diễu hành ở Astana năm 2014. Ảnh minh hoạ: Reuters |
Đáp lại bình luận của Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 31/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc thảo luận về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây ở Ukraine có thể là một ý tưởng rất nguy hiểm.
“Nếu chúng ta đang nói về một số loại đàm phán nghiêm túc, thì đây là một cuộc thảo luận cực kỳ nguy hiểm. Trong thực tiễn thế giới, các lực lượng như vậy thường chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của cả hai bên. Trong trường hợp này, nó có khả năng là một chủ đề rất nguy hiểm”, ông Peskov nói với các nhà báo.
Tuyên bố của đại diện Điện Kremlin được đưa ra sau khi Thủ tướng Hungary Orban tiết lộ rằng các nhà lãnh đạo EU sắp có một cuộc thảo luận “chính đáng” về chủ đề liệu các quốc gia thành viên có hay không nên đưa “một số loại lực lượng gìn giữ hòa bình” tới Ukraine, bất chấp việc Nga có thể sẽ phản ứng trước một động thái như vậy.
Nhà lãnh đạo Hungary cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Ukraine ngày càng trở nên đẫm máu hơn, đồng thời đặt câu hỏi tại sao các nhà lãnh đạo EU không tập trung vào việc nỗ lực đạt được hòa bình ở Ukraine thông qua các biện pháp ngoại giao thay vì cung cấp các công cụ nguy hiểm hơn cho Kiev và đổ dầu thêm vào lửa.
Thủ tướng Orban nói: “Nếu điều này tiếp tục, nguy cơ chiến tranh thế giới không phải là một sự cường điệu văn học".
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm ngoái, Budapest đã liên tục phản đối các biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với các nguồn năng lượng của Nga và từ chối gửi viện trợ quân sự cho các lực lượng Ukraine, viện dẫn lý do nhu cầu duy trì và trang bị cho quân đội Hungary.
Trong khi đó, nghị sĩ Nga Alexey Chepa cho rằng nếu EU quyết định cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine, thì chắc chắn điều đó sẽ được hiểu là can dự trực tiếp vào cuộc xung đột và âm mưu kích động chiến tranh Nga-NATO.
Nghị sĩ Chepa tuyên bố rằng trong trường hợp này, Nga có thể buộc phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đối tác thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, bao gồm Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Cũng trong ngày 31/3, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine và bắt đầu đàm phán một giải pháp hòa bình lâu dài. Phát biểu trước người dân Belarus, ông Lukashenko nói rằng con đường duy nhất dẫn đến hòa bình ở Ukraine là thông qua cam kết ngoại giao. Theo ông, Moskva và Kiev “nên dừng lại ngay bây giờ trước khi leo thang”.
“Tôi sẽ cố gắng mạo hiểm đề nghị ngừng chiến sự để tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn mà cả hai bên không có quyền di chuyển hoặc tập hợp lại quân đội, (và) không có quyền chuyển giao vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự...", Tổng thống Belarus nói.
Ông Lukashenko cũng tuyên bố rằng phương Tây trước đây đã cố gắng sử dụng một thỏa thuận ngừng bắn để củng cố quyền lực ở Ukraine, nhưng nếu họ làm như vậy một lần nữa, Nga “sẽ buộc phải sử dụng tất cả sức mạnh quân sự và công nghiệp của mình để ngăn chặn sự leo thang trong cuộc xung đột”.
Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Lukashenko cho biết kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus là cơ hội để bảo vệ nước này khỏi các mối đe dọa từ phương Tây. Theo ông, phương Tây đang xây dựng lực lượng quân sự ở Ba Lan, giáp biên giới Belarus, lên kế hoạch xâm lược và hủy diệt nước này.
(Theo baotintuc.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin