Quy định Thiết kế Sinh thái mới nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất bền vững, trong khi tạo ra một khuôn khổ chặt chẽ hơn đối với hầu hết các loại hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU.
Liên minh châu Âu ủng hộ ban hành Quy định Thiết kế Sinh thái mới |
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 22/5, các bộ trưởng của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ ủng hộ với đề xuất Quy định Thiết kế Sinh thái mới, trong đó gồm lệnh cấm tiêu hủy các mặt hàng tồn kho và yêu cầu gắn mã kỹ thuật số đối với các mặt hàng được bán trên thị trường.
Quy định mới nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất bền vững, trong khi tạo ra một khuôn khổ chặt chẽ hơn đối với hầu hết các loại hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU.
Trong một tuyên bố chung, các nước EU cho biết các quy tắc mới sẽ đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn, buộc các nhà sản xuất phải cải thiện độ bền vững và đáng tin cậy của sản phẩm, đảm bảo các yếu tố tái sử dụng, có thể được nâng cấp, sửa chữa, tái chế và dễ bảo trì hơn.
Các bộ trưởng EU đã có cuộc gặp tại thủ đô Brussels (Bỉ) và nhất trí với kế hoạch do Ủy ban châu Âu (EC) công bố năm ngoái, trong đó đề xuất cấm tiêu hủy các mặt hàng tồn kho gồm dệt may, giày dép và sản phẩm tiêu dùng khác.
Lệnh cấm được miễn áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ nói chung, và đối với các doanh nghiệp vừa trong thời hạn 4 năm.
Quy định mới cũng sẽ tác động đến nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, ngoại trừ các mặt hàng thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc men và sản phẩm thú y.
Ôtô cũng nằm trong diện miễn áp dụng quy định trên do EU đã có nhiều chính sách khác nhằm hạn chế tác động môi trường của mặt hàng này. Theo quy định mới, các doanh nghiệp phải bổ sung mã kỹ thuật số, như mã QR trên mọi sản phẩm. Đây được xem như "hộ chiếu" điện tử cho các mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường EU.
Quy định Thiết kế Sinh thái mới cũng cho phép các doanh nghiệp có khoảng thời gian để thích nghi, tối thiểu là 18 tháng, sau khi quy định mới có hiệu lực. Các quốc gia thành viên EU cũng có 2 năm để điều chỉnh cách thức áp dụng quy định chung và bổ sung thêm các biện pháp riêng đối với mỗi quốc gia, có thể bao gồm những biện pháp giám sát thị trường và phạt tiền.
Giới phân tích cho biết quy định mới sẽ hạn chế ngành thời trang nhanh (fast fashion), vốn trở thành xu hướng khi thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, song lại có tác động nghiêm trọng tới môi trường. Theo EU, ngành dệt may có tác động lớn thứ tư đối với môi trường và biến đổi khí hậu chỉ sau sản xuất thực phẩm, nhà ở và giao thông.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Kinh doanh và Công nghiệp kiêm Phó Thủ tướng Thụy Điển Ebba Busch nhấn mạnh nếu muốn các sản phẩm thực sự bền vững, EU cần giải quyết vấn đề từ gốc rễ là về thiết kế của các mặt hàng. Bộ trưởng Busch cho rằng quy định mới sẽ đảm bảo các sản phẩm phù hợp với tiêu chí bền vững mà khối này đang hướng tới.
Các quy tắc sẽ chỉ có hiệu lực sau khi Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU đạt thống nhất chung, dự kiến trong những tuần tới.
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin