Bỉ, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Luxembourg, Hà Lan Slovenia và Tây Ban Nha đã kêu gọi cải tổ cách thức bỏ phiếu về Chính sách Ngoại giao và Quốc phòng chung EU.
Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels (Bỉ) |
Nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai sáng kiến mới để cải tổ cách tiếp cận chung toàn khối khi đưa ra những quyết định về ngoại giao và quốc phòng sau nhiều năm chia rẽ nội bộ liên quan vấn đề này.
Nhóm các quốc gia gồm Bỉ, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Slovenia và Tây Ban Nha đã kêu gọi cải tổ cách thức bỏ phiếu về Chính sách Ngoại giao và Quốc phòng chung EU.
Sáng kiến nhằm nâng cao tính hiệu quả và tốc độ đưa ra quyết định về chính sách ngoại giao.
Thay vì dựa trên nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối, nhóm các quốc gia trên đề nghị đưa ra một hệ thống công nhận dựa trên nguyên tắc đa số khi bỏ phiếu về các vấn đề quốc phòng và ngoại giao quan trọng.
Những nỗ lực trước đây nhằm thay đổi hệ thống này đều gây chia rẽ. Dù các nước thành viên và các thể chế lớn trong EU đều thừa nhận rằng hệ thống hiện nay nhiều lúc vẫn cho thấy sự cồng kềnh và quan liêu, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp, nhưng các quốc gia nhỏ hơn lo sợ những nhu cầu của họ sẽ bị lãng quên khi mất đi quyền phủ quyết.
Các nước này lo ngại mất quyền quyết định khi áp dụng cơ chế bỏ phiếu theo đa số, hiện đang áp dụng cho hầu hết các công việc chung của EU nhưng ngoại trừ một số lĩnh vực cụ thể, trong đó có chính sách ngoại giao và an ninh.
Những cuộc bỏ phiếu này đòi hỏi phải nhận được sự ủng hộ của 15/27 quốc gia đại diện hơn 65% dân số 450 triệu người của EU. Cơ chế này được cho là có lợi cho Pháp và Đức vì là 2 quốc gia đông dân nhất EU.
Nếu đa số tối thiểu nước thành viên (14/27 nước) bỏ phiếu ủng hộ việc triển khai quy trình điều chỉnh, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu.
Tuy nhiên, văn bản được hoàn thiện sau đàm phán vẫn cần có sự thông qua của tất cả 27 nước thành viên và một số nước có thể tổ chức trưng cầu ý dân khiến quy trình càng thêm phức tạp. Năm 2005, các cử tri Pháp và Hà Lan đã bác bỏ hiệp ước về hiến pháp chính thức EU.
Nhóm các quốc gia nêu trên muốn phối hợp với các thể chế của EU và hợp tác chặt chẽ với tất cả các nước thành viên, mời các quốc gia khác cùng tham gia sáng kiến cải tổ này.
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin